dd/mm/yyyy

Mưa lũ lịch sử: Hà Nội vỡ đê sông Bùi 2 nhấn chìm hàng trăm nhà dân

Sáng 12.10, đê sông Bùi 2 trên địa bàn huyện Chương Mỹ bị vỡ, nhiều nhà dân chìm trong biển nước, cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn. Lo ngại đê vỡ, tỉnh Ninh Bình gấp rút sơ tán 200.000 dân.

Clip: Rợn người cảnh ròng dây cáp treo giải cứu người dân tại xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn. Nguồn: Nghiêm Anh Hải

200 nhà dân bị ngập sâu trong biển nước

Ngày 12.10, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho hay, tối 11.10, nước lũ dâng cao tràn qua đê Bùi 2, thuộc xã Hoàng Văn Thụ. Ngay trong đêm, lãnh đạo TP. Hà Nội đã có mặt chỉ đạo công tác khắc phục đoạn đê bị tràn, di dời người dân đến nơi an toàn. Đến sáng 12.10, một đoạn đê Bùi 2 đã vỡ. Nước tràn vào gây ngập nhà dân.

“Đê vỡ gây thiệt hại một ít hoa màu của người dân, chưa gây thiệt hại về người”, ông Lâm thông tin.

Vỡ đê ở Chương Mỹ nhấn chìm hàng trăm nhà dân

Ông Trần Ngọc Thông, Chánh Văn Phòng UBND huyện Chương Mỹ cho hay, theo báo cáo của xã Hoàng Văn Thụ, có khoảng 200 nhà dân bị ngập sâu trong biển nước. Toàn bộ người dân ở trong nhà đã được di dời lên các vị trí cao.

Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m. Hiện tại, các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục, giúp đỡ bà con. Đoạn đê Bùi 2 bị sạt lở, vỡ nối liền với đê ở xã Tân Tiến.

Sáng 12.10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thị trấn Xuân Mai.

Nước lũ tràn vào trường học ở huyện Chương Mỹ

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…

Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Lũ lịch sử sau 32 năm, Ninh Bình sơ tán gấp 200.000 dân

Tại Ninh Bình, mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã vượt mức lịch sử năm 1985, tỉnh Ninh Bình đã phải sơ tán gấp 200.000 dân khỏi vùng nguy hiểm.

Nhận thấy tình hình mưa lũ phức tạp, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, 18h tối 11.10, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát lệnh di dân khẩn cấp.

Lo bị ảnh hưởng đợt lũ lịch sử, tỉnh Ninh Bình phát lệnh sơ tán 200.000 người dân.

Theo đó, 200.000 dân thuộc 12 xã của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan nằm trong vùng ảnh hưởng của tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) phải di dời gấp trong đêm. Lực lượng bộ đội và các cơ quan chức năng địa phương được huy động tối đa để giúp dân di dời khỏi vùng sẽ xả lũ.

Tỉnh Ninh Bình cũng đã phát lệnh “hộ đê toàn tuyến”. Hiện tại 38 hồ đập ở huyện Nho Quan đã tràn bờ, vùng núi có nguy cơ sạt lở đất cao. Tràn Đức Long – Gia Tường (huyện Nho Quan) cũng đã được tính phương án xả tràn để hạ mức nước lũ sông Hoàng Long, tránh vỡ đê. Nếu xả tràn này, người dân xã Đức Long, Gia Tường, Gia Thủy, Lạc Vân cũng sẽ phải sơ tán.

Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Ninh Bình, có gần 500 hộ khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, trên 3.000 ha thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập. Toàn tỉnh có trên 1.000ha lúa bị ngập úng.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tính đến các phương án phải xả tràn tại đập Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Nho Quan; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và nơi sơ tán cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bình Nguyên