dd/mm/yyyy

Mía đường Sơn La đạt 87% kế hoạch lợi nhuận năm sau một quý

Niên độ 2023 - 2024, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu thuần 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và gần 74% so với niên độ trước.

Báo cáo tài chính quý I (từ ngày 1/7 - 30/9) niên độ 2023 - 2024 của CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) cho thấy doanh thu thuần gần 431 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp trong kỳ cải thiện từ 30,2% cùng kỳ lên 31,3% quý này. Trừ các chi phí, Mía đường Sơn La lãi sau thuế 119 đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.

Niên độ 2023 - 2024, Mía đường Sơn La đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và gần 74% so với niên độ trước. Như vậy kết thúc quý đầu tiên, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 87% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Mía đường Sơn La cho biết năm 2023 ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.

Hiện tại, giá đường thế giới và Việt Nam đang trong đà tăng khi thế giới lo ngại thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng tới sản lượng. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mặc dù giá đường năm 2023 tăng mạnh nhưng mặt hàng mới chỉ nằm bên trên giá thành sản xuất một chút.

"Giá đường tăng thời gian qua không phản ánh cung - cầu đường hiện tại bởi thị trường vẫn đang dư cung, xu hướng người tiêu dùng giảm tiêu thụ đường vì lý do sức khoẻ. Ngoài ra, giá trên sàn là kỳ hạn. Điều này chứng tỏ thị trường cho rằng nguồn cung toàn cầu có thể thiếu hụt vào năm tới”, ông Lộc cho biết.

Ông cho rằng việc dự báo giá đường trong thời gian tới sẽ khá phức tạp do có nhiều biến số, đặc biệt là giá dầu thô. Những biến động trong chính sách nguồn cung giữa Nga và OPEC sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, kéo theo giá đường cũng ảnh hưởng.

“Giá đường từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Việc giá có duy trì được đà tăng này trong thời gian tới hay không là điều khó đoán. Theo theo góc nhìn của những người sản xuất đường lâu năm, tôi cho rằng giá tăng càng cao thì xuống càng mạnh. Giá cao thì người dân nhiều vùng bắt đầu đồ xô trồng mía, áp lực nguồn cung tăng lên. Đây mới là điều đáng ngại”, ông Lộc nói.

Tại cuối tháng 9, tổng tài sản của Mía đường Sơn La hơn 1.443 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho còn 76 tỷ, giảm 77% so với cuối tháng 6. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 19% lên 351 tỷ đồng, đã bao gồm trích lập gần 12 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Cuối kỳ, tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn hơn 463 tỷ, gấp 4,3 lần so với đầu niên độ. Trong khi đó dư nợ tài chính tại là 36 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh