dd/mm/yyyy

Loại quả dại "nhỏ xíu" trước rụng đầy gốc không ai nhặt nay "đắt như tôm tươi"

Từ loại quả dại ít người để ý nhưng với hương vị độc đáo nó bỗng trở thành thứ quà đặc biệt khiến nhiều người săn lùng dù đắt đỏ, có khi lên đến 120.000 đồng.

Một loại quả dại bề ngoài nhỏ xíu nhưng hương vị khiến người ta nhớ mãi. Thứ quả độc đáo nhắc đến ở đây là mắc kham. Quả có vỏ bên ngoài ngọt, ăn giòn tan với vị chua chát ban đầu và ngọt hậu... giống như ngậm viên ô mai khiến hội chị em thích mê.

Loại quả dại "nhỏ xíu" trước rụng đầy gốc không ai nhặt nay "đắt như tôm tươi"- Ảnh 1.

Loại quả rừng này từng gây sốt trên “chợ mạng”, giá bán đắt đỏ.

Loại quả dại có tên mắc kham vốn được gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Nùng, Tày ở các tỉnh miền núi và nó cũng có một cái tên khác thông thuộc hơn là me rừng. Mắc kham thường mọc tự nhiên, phân bố ở khu vực đồi núi các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và thường bắt đầu vào mùa từ tháng 9, tháng 10 hằng năm.

Mắc kham khi ăn tươi sẽ cho người ăn cảm giác như trải qua các tầng hương vị từ chua chua, chát chát, thi thoảng lại hơi đắng và kèm thêm cả chút ngọt. Chính vì sự độc đáo ấy mà dân tình còn gọi mắc kham với một cái tên khác là quả "khổ trước sướng sau".

Loại quả dại "nhỏ xíu" trước rụng đầy gốc không ai nhặt nay "đắt như tôm tươi"- Ảnh 2.

Mác kham không chỉ là một món ăn vặt hấp dẫn mà còn là một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh.

Vốn là quả dại nhưng thời gian vừa qua me rừng trở thành thứ quà vặt độc đáo. Tham khảo trên các chợ mạng dễ nhận thấy vào đầu mùa, mắc kham xanh giá chỉ 30.000-35.000 đồng/kg nhưng thời điểm giữa mùa như hiện tại, mắc kham rám đã được bán gấp đôi thậm chí gấp ba lần với giá 70.000 đồng - 120.000 đồng/kg.

Quả mắc kham có tên khoa học là Phyllanthus Emblica (hay Emblica officinalis), tiếng Anh gọi là quả Amla (hoặc Indian Gooseberry). Đây là một loại thực vật có quả ăn được thuộc họ Diệp Hạ Châu. Quả mắc kham có hình tròn, vỏ mọng, có hạt, có màu xanh, khi chín hơi vàng nhạt. Quả có vị hơi chua và đắng nhẹ. Theo Y học cổ truyền Ấn Độ thì toàn bộ cây bao gồm quả, lá và hạt mắc kham đều có giá trị chữa bệnh.

Loại quả dại "nhỏ xíu" trước rụng đầy gốc không ai nhặt nay "đắt như tôm tươi"- Ảnh 3.

Công dụng tuyệt vời của quả mắc kham

Tuy là quả dại nhưng mắc kham lại giàu vitamin C, alkaloid, ellagitannin, axit gallic, emblicanin A và emblicanin B, flavonoid (đặc biệt là rutin và quercetin), và nhiều loại phân tử sinh học, làm cho quả mắc kham có nhiều công dụng đối với sức khỏe và được đánh giá cao trong việc lựa chọn nghiên cứu thuốc với ít tác dụng phụ.

Không chỉ quả mà lá loại cây này có vị cay, tính bình, tác dụng lợi tiểu, viêm da mẩn ngứa nên lấy lá nấu nước tắm rửa để phòng trị bệnh ngoài da rất tốt. Rễ cây mác kham có vị đắng chát, có tác dụng hạ huyết áp, trị viêm ruột. Quả mác kham còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C rất tốt cho sức khỏe.

Mắc kham không chỉ là một món ăn vặt hấp dẫn mà còn là một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh, thông tin trên báo Cao Bằng.

+ Da: Ngăn ngừa phân hủy collagen giúp da có độ đàn hồi và săn chắc

+ Tóc: Một số bằng chứng cho thấy chiết xuất quả mắc kham có thể thúc đẩy sự phát triển tóc và ức chế một loại enzyme gây rụng tóc

+ Thị lực: Nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng, chiết xuất quả mắc kham có thể giúp bảo vệ và chống lại bệnh thoái hóa điểm vàng có liên quan tới tuổi tác bằng cách cải thiện sức khỏe ty thể của tế bào mắt.

- Ngăn ngừa ung thư: Trong các nghiên cứu ống nghiệm và trên động vật thì chiết xuất từ quả mắc kham cho thấy có thể hỗ trợ tiêu diệt một số loại tế bào ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồn trứng và ung thư phổi. Bên cạnh đó, chiết xuất này còn có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư hiệu quả nhờ tác dụng chống oxy hóa cao của phytochemical chẳng hạn như tannin và flavonoid cùng hàm lượng vitamin C, thông tin trên báo Phụ Nữ Việt Nam.

- Tăng cường sức khỏe miễn dịch: Quả mắc kham giàu vitamin C chiếm 600 - 800% giá trị vitamin C cần hàng ngày (DV) đem đến nhiều tác dụng đối với hệ miễn dịch như giảm tổn thương tế bào và viêm nhiễm, đặc biệt tình trạng viêm mãn tính có liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim hay các rối loạn tự miễn dịch. Đặc biệt, vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách thúc đẩy tăng sinh thực bào - là những tế bào miễn dịch chuyên biệt giúp "nuốt chửng" những tác nhân xâm nhập gây hại cho cơ thể.

Ở Ấn Độ, nước lên men của quả mắc kham có thể được dùng như thuốc trị vàng da, khó tiêu hay trị ho. Ở Thái Lan, chiết xuất quả mắc kham cũng được lấy để sản xuất thuốc long đờm, thuốc lợi niệu, tiêu chảy,...

Loại quả dại "nhỏ xíu" trước rụng đầy gốc không ai nhặt nay "đắt như tôm tươi"- Ảnh 4.

Quả mắc kham có nhiều cách chế biến khác nhau thành món đặc sản mang hương vị độc đáo.


Trúc Chi (t/h)