dd/mm/yyyy

Lo "vỡ trận" nếu đẩy về ngân sách tỉnh

“Triển khai BHNN trên diện rộng, nếu “đẩy” về ngân sách tỉnh sẽ không thể thành công” - đó là nhận định của ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT (ảnh) về chính sách BHNN đang được Bộ Tài chính đề xuất triển khai trên diện rộng.

Ông Hồ Xuân Hùng

Thưa ông, được biết Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bên có liên quan để triển khai BHNN trên diện rộng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, nhất định chúng ta phải xây dựng chương trình bảo hiểm cho nông nghiệp vì hầu như ở nước nào cũng xây dựng chính sách BHNN để bảo vệ rủi ro cho nông nghiệp. Bản thân tôi cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất chương trình BHNN. Bởi nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà để khắc phục và hạn chế rủi ro thì rất cần vai trò của bảo hiểm. Vừa qua, sau một giai đoạn triển khai thí điểm BHNN, chương trình đã lỗ gần 400 tỷ đồng. Theo tôi cần phải xem xét lại, làm rõ nguyên nhân do đâu.

Bảo hiểm nông nghiệp thí điểm trên cây lúa đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân (Ảnh TL).

Có ý kiến cho rằng bảo hiểm thủy sản lỗ nhiều nhất, mà một trong những nguyên nhân là bị trục lợi, do đó sau khi tổng kết, Bộ Tài chính đã từng đưa ra đề xuất bỏ bảo hiểm thủy sản?

Một số nghiên cứu cho rằng, một trong những nguyên nhân thua lỗ chính là lĩnh vực thủy sản. Theo tôi, việc thấy lỗ do quản lý chỉ đạo yếu kém mà bỏ bảo hiểm cho lĩnh vực này là không nên. Qua tìm hiểu, tôi được biết, một người có 4 đầm tôm nhưng cơ quan bảo hiểm lại chỉ ký hợp đồng bảo hiểm cho 1 đầm (ví dụ đầm số 1). Nhưng khi đầm số 2 bị bệnh, lại vẫn khai đầm số 1. Khi đã triển khai là phải cho bảo hiểm cả 4 đầm chứ không chỉ có 1 đầm. Chẳng lẽ cơ quan chức năng cứ thấy không quản lý được là bỏ hay sao? Nhiều nước họ đã thực hiện thành công mà mình lại không làm được, kêu khó, kêu khổ để bỏ thì ở đây có trách nhiệm của cán bộ quản lý BHNN.

Bộ Tài chính cho biết, tới đây sẽ triển khai BHNN trên diện rộng và đưa kinh phí hỗ trợ về cho các địa phương tự điều tiết, ông đánh giá như thế nào về phương án này?

Nếu đúng là đưa về tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ triển khai thì tỉnh nghèo sẽ không làm được. Mà tỉnh nông nghiệp hầu hết là tỉnh nghèo. Tôi cho rằng, việc đưa về địa phương tự túc kinh phí hỗ trợ thì chẳng khác nào “đánh đố” nhau, không thể triển khai được. Theo tôi, muốn triển khai BHNN thành công, trước hết là phải dựa vào ngân sách nhà nước, sau đó tính toán mức độ hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho các địa phương cụ thể ra sao để phân bổ nguồn vốn hợp lý. Chúng ta đang trong giai đoạn đảm bảo an ninh lương thực thì không thể không hỗ trợ cho các tỉnh nghèo.

Ngoài ra, cần phải hỗ trợ cho hộ nghèo, thậm chí hỗ trợ kinh phí 80%. Đối với các hộ khá giả, cũng phải tham gia đóng một phần phí bảo hiểm. Ngoài vai trò của ngân sách các cấp cũng cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện lĩnh vực lúa gạo có 2 Tổng Công ty lương thực, mỗi năm xuất khẩu mấy triệu tấn lúa, nên chăng 2 đơn vị này cũng phải dành một khoản để mua BHNN cho người dân. Hay như doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nhiều đơn vị lãi lớn nhưng tại sao không bỏ tiền ra cùng với nông dân nuôi tôm đóng phí BHNN?

Có ý kiến cho rằng bảo hiểm thủy sản lỗ nhiều nhất, mà một trong những nguyên nhân là bị trục lợi (Ảnh TL)

Cũng có ý kiến lo ngại rằng, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế chưa tham gia được sao có tiền bảo hiểm cho vật nuôi, ông đánh giá như thế nào?

Nói như vậy là không đúng. Đó chỉ là lý sự của người làm bảo hiểm sợ khổ, sợ khó và của người dân có tư duy không tiến bộ. Ngay cả bảo hiểm y tế, mọi người mua là để hỗ trợ cho người bệnh chứ ai muốn bệnh tật để đi chữa bệnh đâu.

Tôi cho rằng, nếu các ban ngành làm rõ các chính sách cho BHNN thì nhất định người dân sẽ hào hứng tham gia. Đương nhiên, khi người dân bỏ tiền ra thì họ phải cân nhắc, đắn đo sao cho đồng tiền phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần làm cho họ thấy được lợi ích chung, trong đó có cả lợi ích của họ thì chắc chắn họ sẽ tham gia. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta còn “hành chính” hóa khâu này dẫn đến việc vận động bà con tham gia không hiệu quả.

Để triển khai BHNN thành công trên diện rộng trong thời gian tới đây, theo ông cần có đổi mới như thế nào?

“Các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, nhất là tham gia xuất khẩu cũng phải trích một khoản nhất định vào quỹ BHNN vì họ hưởng lợi trực tiếp từ sản xuất, khi nông dân gặp rủi ro, họ cũng phải gánh chịu. Việc các doanh nghiệp này tham gia vào BHNN là cần thiết, giúp hình thành các nguồn quỹ lớn mạnh và như vậy mới có thể thành công được”.
Ông Hồ Xuân Hùng

Trước hết phải xác định rõ BHNN là cần thiết để xử lý vấn đề rủi ro – là vấn đề nổi cộm nhất trong nông nghiệp hiện nay. Phải làm cho những tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm thấy được quyền lợi và trách nhiệm xã hội của mình. Phải làm cho các hộ dân, doanh nghiệp, chủ trang trại, những người sản xuất liên quan tới nông nghiệp thấy được trách nhiệm của họ khi tham gia vào BHNN. Cơ quan bảo hiểm phải có tổ chức chuyên môn làm việc này và gắn trách nhiệm với kết quả hoạt động của họ.

Không thể chỉ để duy nhất cho cơ quan bảo hiểm làm mà cần có sự vào cuộc thực sự của các tổ chức xã hội, trước hết là tổ chức nghề nghiệp, gắn tổ chức nghề nghiệp vào tham gia vận động quần chúng và giám sát việc thu chi bảo hiểm. Còn các tổ chức đoàn thể chính trị như Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên cần tự vận động với nhau, vận động gia đình, bàn với nhau để tham gia bảo hiểm. Thậm chí, phải chia quyền lợi cho cả tổ chức vận động chứ một mình cơ quan bảo hiểm không thể làm được. Các tổ chức không chỉ vận động mà còn có vai trò giám sát thực hiện bảo hiểm, thu và chi bảo hiểm, từ đó sẽ góp phần tránh được tình trạng trục lợi và tùy tiện…

Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân