dd/mm/yyyy

Làng hoa kiểng độc đáo ở Gò Vấp

Nhắc đến các làng hoa kiểng ở TP.HCM, người ta thường nghĩ ngay đến làng hoa Gò Vấp – làng hoa lâu đời và nức tiếng đất Sài Gòn từ nhiều thập niên trước đây. Ngày nay do đô thị hóa nhanh chóng, diện tích đất trồng hoa kiểng ở đây bị thu hẹp nhiều, nhưng vẫn còn những người miệt mài gắn bó với nghề.

Vườn hoa trăm tuổi
Có dịp đến thăm làng hoa Gò Vấp, bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang hối hả chăm sóc hoa, đặc biệt là hoa phục vụ Tết. Tuy hiện nay đa phần là các hộ làm nhỏ lẻ, các vườn nằm rải rác thiếu tập trung.

Vườn bonsai của gia đình ông Nguyễn Văn Lý - một trong những mô hình hiệu quả tại Gò Vấp.

Trò chuyện với các cụ cao niên ở đây, các cụ cho biết làng hoa Gò Vấp từng nức tiếng khắp cả nước. Không biết làng hoa Gò Vấp có từ bao giờ, chỉ biết rằng cách đây hơn 30 năm, làng hoa này trong giai đoạn cực thịnh đã trở thành nơi buôn bán hoa kiểng sầm uất ở Sài Gòn. Khi ấy nhà nhà đua nhau trồng hoa nên đi trên những con đường (thuộc các phường 11, 12 và một phần phường 9, quận Gò Vấp hiện nay) sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn hoa rực rỡ đủ loại đua nhau khoe sắc. Tại làng hoa này cũng xuất hiện nhiều nghệ nhân nổi tiếng với các “ngón nghề” riêng.

Vườn lan Cattaya của nghệ nhân Tư Trung.

Một lần đến thăm làng hoa Gò Vấp, nhờ cán bộ Hội Nông dân giới thiệu, chúng tôi được gặp ông Lê Văn Trung (nghệ nhân Tư Trung) giữa lúc ông đang cặm cụi chăm sóc vườn lan hơn 10.000 chậu Cattaya. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, hàng ngày đều đặn ra vườn chăm sóc lan để tìm niềm vui và thỏa mãn đam mê. Ông cho biết trước đây khu vực Gò Vấp vốn là vùng ven, đất đai rộng lớn, người dân chủ yếu trồng rau, hoa. So với trước đây, diện tích hoa kiểng không còn bao nhiêu, thay vào đó là nhà cửa, xí nghiệp, quán xá…, bản thân ông giữ nghề được như hiện nay cũng là do đam mê. Trước đây mỗi lần bán rau ông đều dành ít tiền mua hoa về trồng, rồi tự mày mò nhân giống. Nhờ chịu khó, tay nghề ông ngày càng được nâng cao và nhanh chóng thành công với nghề trồng lan, được bà con địa phương gọi là “nhà khoa học nông dân”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưởu, người có thâm niên 30 năm trong nghề trồng hoa kiểng tại làng hoa Gò Vấp cho biết, giờ gia đình ông chỉ còn hơn 1.000m2 đất để trồng bonsai. Nhưng ông vẫn yên tâm bám nghề vì có kinh nghiệm trồng hoa kiểng, cũng như luôn nhạy bén tìm mua các giống mới về trồng, lai ghép để thu hút người chơi.

Tại làng hoa Gò Vấp còn rất nhiều nghệ nhân trồng hoa kiểng khác đã tạo được “thương hiệu” riêng nhờ đam mê, tâm huyết với nghề, điển hình như các cây đại thụ Tư Tịnh, Tám Giáp, Chín Le… Nhờ bàn tay khéo léo của những người cả đời gắn bó với nghề trồng hoa kiểng nên tại đây có rất nhiều sản phẩm hoa kiểng độc đáo mà nhắc đến thôi dân mê hoa kiểng cũng phải thèm thuồng. Như vườn ông Lý Hùng từng có cây thiên tuế 180 tuổi, vườn ông Huỳnh Văn Thân có cặp cần thăng trên 120 tuổi, vườn ông Đỗ Văn Quế có cặp sộp trên 110 tuổi, vườn ông Địa Quýt có loại địa lan cao gần 3m và hàng trăm chậu hoa sứ độc đáo…
Muôn mặt loài hoa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù ít đất trồng nhưng tại làng hoa Gò Vấp nhiều người vẫn sống khỏe với nghề trồng hoa kiểng. Ông Hai Lợi cho biết, tại làng hoa Gò Vấp những người còn gắn bó với nghề có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm không ít. Bản thân nhà ông có khoảng 1.000 cây bonsai, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Theo ông Lợi, nghề trồng cây cảnh này đòi hỏi trước hết phải có vốn để đầu tư lâu dài, có đam mê theo đuổi nghề và có hướng đi đúng.
Còn anh Lê Minh Định (con nghệ nhân Tư Trung) – một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Gò Vấp cho biết để gắn bó với nghề cần biết lựa chọn cây trồng, biết tính toán để diện tích nhỏ cho hiệu quả lớn. Cũng vì vậy, cách đây hơn 6 năm anh cùng cha mình đã bàn bạc và đi đến quyết định trồng lan Cattaya. Với diện tích khoảng 1.100m2 nhưng trong vườn nhà anh có hơn 10.000 chậu lan, thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm.

Nhiều người dân Gò Vấp ra các vùng lân cận thuê đất trồng hoa để có thêm thu nhập và giữ nghề truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưởu cho rằng, trong sản xuất, kinh doanh hoa kiểng cần phải tìm hiểu để biết đi trước, đón đầu, nhạy bén nắm bắt thị trường. Với ông dù gắn bó với nghề từ lâu, trong vườn đã có nhiều loại hoa kiểng, nhưng cách đây hơn 3 năm, ông đã mạnh dạn đầu tư mua giống tùng kim cương về trồng do biết loại cây này được nhiều người ưa chuộng, không chỉ để chơi mà còn để tặng nhau. Sau đó ông đã nhân giống tùng và trồng được hàng ngàn gốc để xuất bán ra thị trường, mang lại nguồn lợi không nhỏ.
Theo ông Trần thế Hùng - Chủ nhiệm HTX sản xuất thương mại dịch vụ hoa kiểng Gò Vấp, nhờ sáng tạo, biết chuyển đổi cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị nên nhiều hộ trồng hoa kiểng tại đây có thu nhập ổn định. Riêng HTX sản xuất thương mại dịch vụ hoa kiểng Gò Vấp từ khi thành lập năm 2006 đến nay luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ người trồng hoa kiểng. Trong đó HTX đã thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương, hỗ trợ xã viên tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm…

Nguyễn Hữu