dd/mm/yyyy

Khổ qua rừng theo chân người về đồng bằng mở hướng làm giàu

Là loại cây mọc hoang ở vùng rừng thưa miền Đông Nam Bộ, khổ qua rừng được một cô gái Cần Thơ đem về quê trồng. Sau 5 năm ươm trồng thí nghiệm, hiện nay hơn 10ha khổ qua rừng trồng theo hướng hữu cơ đã xanh mát ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Khổ qua từ chỗ mọc hoang trong rừng giờ đã phủ xanh trong trang trại

Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (quê huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) trong một chuyến đi công tác ở Đồng Nai đã được người dân nơi đây giới thiệu về cây khổ qua rừng với nhiều dược liệu quý cho người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, mở máu,… được nông dân lấy giống từ rừng đem về trồng ở vườn nhà. Tò mò chị Thoa xin hạt giống về quê trồng thử thì cây giống lên xanh tốt, trái ra đầy cành.

Khổ qua trồng theo phương pháp hữu cơ cho quả sai và an toàn

Từng học ngành công nghệ thực phẩm, chị Thoa khát khao tạo ra vùng dược liệu quý từ khổ qua rừng, phòng và điều trị bệnh cho mọi người. Năm 2013, chị trồng thí nghiệm 1ha khổ qua rừng tại Sóc Trăng; sau khi thu hoạch chị đem cho người thân quen, những người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mở máu,… dùng thử và kiểm nghiệm đánh giá xem hiệu quả như thế nào. Và kết quả sức khỏe mọi người được cải thiện rất tốt.

Khổ qua trồng theo phương pháp hữu cơ phải chăm sóc cẩn thận

Với kết quả khả quan đó, năm 2014 chị Thoa chính thức rẽ hướng sang làm kinh tế nông nghiệp, trồng và chế biến các sản phẩm từ khổ qua rừng. Chị mạnh dạn hùn vốn với vài người bạn thành lập Công ty CP TNB Việt Nam (đặt trụ sở tại quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), chuyên nuôi trồng và sản xuất trà khổ qua rừng.

Giàn khổ qua rừng phát triển xanh tốt, cho trái sum suê với màu xanh đặc trưng

Chị Thoa chia sẻ: “Chúng tôi đến với khổ qua rừng vì tính dược liệu quý, chữa bệnh cho người dân. Từ đó mục đích của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm sạch từ khổ qua rừng nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe và phòng bệnh cho mọi người. Chính vì thế chúng tôi phải tự trồng, tạo cho mình vùng nguyên liệu riêng đúng chuẩn”.

Sau khi thu hoạch, khổ qua được vậ chuyển bằng thuyền về chế biến

Tính đến nay công ty của chị đã mở rộng diện tích trồng khổ qua rừng ra được trên 10 ha tại các Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ, theo hướng sạch, không sử dụng phân thuốc hóa học, có màng phủ, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động …

Chọn lựa kỹ càng từng trái khổ qua để chế biến dược liệu

Từ nguồn nguyên liệu đó, công ty của chị đã làm ra nhiều sản phẩm như: Trà túi lọc khổ qua rừng, viên uống khổ qua rừng dạng nang và dạng hoàn vời thương hiệu MUDARU, giúp hỗ trợ điều trị ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường, mỡ máu, huyết áp... Hiện những sản phẩm từ khổ qua rừng của công ty chị Thoa đã có mặt tại Cần Thơ và hệ thống nhà thuốc toàn quốc, quầy trưng bày các sân bay và siêu thị…


Trái khổ qua chín có màu vàng tươi trông rất bắt mắt

Chị Thoa cho biết, để đảm bảo vùng nguyên liệu tự cung, trong thời gian tới chị sẽ mở rộng trồng hàng trăm ha khổ qua rừng ở vùng ĐBSCL và đưa sản phẩm trà khổ qua của mình vào hệ thống siêu thị toàn quốc; mở rộng thị trường sang các nước Mỹ, Úc, Châu Âu và Hồng Kông…


Khổ qua rừng được rửa sạch, sấy khô trước khi làm ra nhiều sản phẩm dược liệu quý

Hồng Cẩm