dd/mm/yyyy

Kéo đàn dê về vùng mặn, nông dân khấm khá

Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà và nguồn cây cỏ tự nhiên xung quanh bờ bao vuông tôm, nhiều nông dân xã Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã có thêm nguồn thu nhập ổn định nhờ mô hình nuôi dê sinh sản.

Giúp nông dân tăng thu nhập

Nhằm thực hiện đa cây đa con trên cùng một diện tích, Hội ND xã Tạ An Khương đã lập dự án mô hình nuôi dê sinh sản sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), với tổng số vốn hơn 490 triệu đồng cho 12 hộ ND trong thời gian 36 tháng.

Theo ông Mai Hoàng Anh - Chủ tịch Hội ND xã, địa bàn xã Tạ An Khương có nhiều thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn thường xảy ra khiến ND gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Hội ND lập dự án với mong muốn giúp ND tận dụng đất trống, có thêm thu nhập trên cùng một diện tích, từ đó ổn định cuộc sống.

ND tổ hợp tác nuôi dê sinh sản xã Tạ An Khương phấn khởi khi tiếp cận mô hình.
ND tổ hợp tác nuôi dê sinh sản xã Tạ An Khương phấn khởi khi tiếp cận mô hình.

Được biết, sau khi giải ngân dự án nuôi dê sinh sản, Hội ND đã hỗ trợ ND lập tổ hợp tác nuôi dê sinh sản để hỗ trợ nhau sản xuất. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, tổng đàn dê của tổ hợp tác là 54 con.

Ông Nguyễn Văn Khởi - Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Mương Điều A, thông tin: “Số vốn ban đầu của Quỹ HTND đã giúp nhiều ND có điều kiện tiếp cận với mô hình nuôi dê sinh sản. Nhờ đó, ND có thêm nguồn thu nhập ổn định. Thực tế sản xuất cho thấy, dê thích nghi tốt với vùng đất mặn, lượng thức ăn dồi dào nhờ nguồn cây cỏ tự nhiên xung quanh và quanh bờ bao vuông tôm”.

Lợi nhuận cao

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Minh (ngụ ấp Mương Điều A), thành viên tổ hợp tác nuôi dê sinh sản, cho hay: “Từ 5 con dê giống ban đầu được mua từ nguồn vốn hỗ trợ, sau hơn 1 năm chăn nuôi tôi có 14 con dê. Hiện, tôi đã bán được 3 con dê giống với giá 3 triệu đồng/con, trong chuồng tôi còn 2 con dê mẹ đang mang thai, 5 con dê giống”.

Theo ông Minh, nuôi dê sinh sản là mô hình dễ thực hiện, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất. Sau 1 năm nuôi là có thể hoàn vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, người sản xuất cần lưu ý phải chịu khó chăm sóc, vệ sinh cho dê phải được chú ý, chuồng trại cần làm cao ráo, thoáng mát.

Ông Minh cho biết ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có được đàn dê hơn chục con như bây giờ.
Ông Minh cho biết ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có được đàn dê hơn chục con như bây giờ.

“Dê nuôi ở vùng mặn cơ bản là ít bệnh, dễ nuôi. Tôi hay treo những hũ muối trong chuồng để dê liếm nhằm tránh được các bệnh về đường dạ dày. So với nuôi heo, tôi cho rằng mô hình nuôi dê sinh sản lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần” - ông Minh chia sẻ.

Còn ông Hồ Thanh Danh (ngụ cùng ấp Mương Điều A), cho biết: “Với 30 triệu đồng vay ban đầu, tôi mua 4 con giống và xây chuồng trại, hiện tại tôi có 6 con dê trong chuồng. Tôi thấy kỹ thuật nuôi dê sinh sản không khó, hiện tại trong vùng chưa có nhiều mô hình nuôi dê bài bản nên việc tiêu thụ không quá khó khăn”.

“Thông thường dê từ khi sinh sau 1 năm chăm sóc sẽ đạt trọng lượng khoảng 30kg. Thịt dê trên thị trường được thương lái thu mua với giá  80.000 đồng/kg. Những con dê đực trong mô hình, ND có thể bán bớt để lấy vốn nuôi tiếp những đợt sau. Tôi mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ cho ND về đầu ra của sản phẩm, tránh tình trạng khi sản lượng dê dư thừa thì khó tiêu thụ” - ông Danh bộc bạch.

Theo Hội ND huyện Đầm Dơi, hiện tổng nguồn quỹ HTND của huyện là hơn 992 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay Hội ND huyện đã lập dự án, phối hợp với Hội ND tỉnh giải ngân cho 19 dự án với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Chúc Ly