dd/mm/yyyy

Hóc Môn làm nông thôn mới trong lòng đô thị

Cũng như huyện Nhà Bè, Hóc Môn đang làm nông thôn mới (NTM) trên nền đô thị với những thuận lợi và khó khăn riêng. Để xây dựng NTM thành công, huyện Hóc Môn đang dồn sức cho phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát triển nông nghiệp đô thị

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn, sau gần 10 năm xây dựng NTM, hệ thống chợ, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn giá, siêu thị mọc khắp trên địa bàn huyện, với 2 siêu thị, 95 cửa hàng tiện ích, tiện lợi; hơn 100 điểm bán hàng bình ổn giá của các hệ thống bán lẻ, như: Co.opmart, Satra Food, Bách hóa xanh…; 1 chợ đầu mối, 1 chợ cấp 2 và 11 chợ cấp 3…

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện cũng đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông.
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện cũng đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông.

Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp đang ngày một thấp dần do định hướng cơ cấu ngành kinh tế, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền, huyện vẫn đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng mô hình sản xuất, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm.

Theo đó, quy hoạch sản xuất nông nghiệp được đưa vào quy hoạch NTM của 10/10 xã xây dựng NTM. Trong đó, xác định rõ các phần diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện. “Huyện đang đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Hỗ trợ lãi vay cho nông dân để phát triển sản xuất nông nghiệp” - bà Tuyền cho biết.

Ông Phạm Văn Tư đang chăm sóc ao cá xiêm nuôi tại gia đình.
Ông Phạm Văn Tư đang chăm sóc ao cá xiêm nuôi tại gia đình.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn, trong gần 10 năm làm NTM, mặc dù trên địa bàn huyện diện tích đất sản xuất giảm dần do đô thị hóa, nhưng huyện luôn tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị mang lại giá trị kinh tế cao. “Hội Nông dân đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp với ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình điểm, hỗ trợ nguồn vốn vay, tham quan học hỏi mô hình sản xuất… nhằm giúp bà con nông dân phát triển đời sống” - ông Bình chia sẻ.

Ông Phạm Văn Tư (ấp Tân Thới 1, Tân Hiệp) - một hộ nuôi cá xiêm đá cho biết, trước đây ông trồng lúa, mía, chuối và lá lốt. Nhưng do đô thị hóa, đất ngày càng mất dần, ông chuyển sang nghề nuôi cá xiêm với sự hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật từ Hội Nông dân. Hiện tại, ông đang nuôi hơn 2.000 con cá xiêm lớn nhỏ, với giá từ 10.000-25.000 đồng/con. “Nuôi cá xiêm không cần diện tích đất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Tôi thấy, từ khi địa bàn đẩy mạnh làm NTM, nhiều bà con làm nông thuần túy trước đây của chính quyền, được sự hỗ trợ đã chuyển mang mô hình nông nghiệp đô thị nhiều hơn” - ông Tư nhận xét.

Hiện trên địa bàn huyện có 23 HTX đang hoạt động, gồm: 15 HTX nông nghiệp, 3 HTX TM-DV, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX vận tải – du lịch; có 20 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Huyện đang hình thành HTX nông nghiệp tiên tiến và nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Rau sạch, rau thủy canh, dưa lưới, hoa lan, cây kiểng, bò sữa…

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện cũng đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện cho biết, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được kết nối thông suốt với tất cả các xã. 100% tuyến đường huyện, xã đạt chuẩn NTM. Đường ô tô trên địa bàn huyện được thiết kế và thi công xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005 đảm bảo tốt tầm nhìn và ổn định cơ học. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hiện, trên địa bàn huyện có 276 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 211km.

Theo Chi cục thống kê huyện Hóc Môn, hiện thu nhập bình quân hộ gia đình tại các xã NTM của huyện Hóc Môn đạt 66,395 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục chuyển dịch

Ông Dương Hồng Thắng-Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm tăng thu nhập cho người dân trong giai đoạn làm NTM sắp tới. “Việc xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa có tính cạnh tranh cao, chưa có sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của huyện. Vì thế, sắp tới cần phải cải thiện những hạn chế này”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, trước mắt, phấn đấu hết năm nay (2019), 10 xã làm NTM của Hóc Môn sẽ đạt 19/19 tiêu chí nâng cao và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Hiện trung bình các xã làm NTM của huyện đã đạt 18,2/19 tiêu chí, huyện đạt 8/9 tiêu chí. “Huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH, như: giao thông, trường học, thương mại, nhà ở….” - ông Thắng nói.

Mô hình trồng búp sen phát tài của chị Nguyễn Thị Hạnh Lợi (Xuân Thới Đông, Hóc Môn).
Mô hình trồng búp sen phát tài của chị Nguyễn Thị Hạnh Lợi (Xuân Thới Đông, Hóc Môn).

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM ở huyện Hóc Môn vừa qua, ông Nguyễn Phước Trung-Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM nhấn mạnh, huyện Hóc Môn phải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tính tự giác, để người dân thực sự là chủ thể xây dựng NTM trong giai đoạn nâng chất. Đối với các tiêu chí còn đạt thấp, UBND huyện rà soát, đánh giá để có biện pháp tháo gỡ các khó khăn. Song song đó, huyện khẩn trương đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các dự án còn tồn đọng phải tập trung xử lý dứt điểm và hoàn thành. Trên cơ sở đó, phấn đấu quý 1-2020, các xã đạt chuẩn NTM để đảm bảo hoàn thành nâng cao chất lượng tiêu chí.

Bài, ảnh: Trần Cửu Long