dd/mm/yyyy

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy

Trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện 2 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cât trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đây là 2 tỉnh có nguy cơ xẩy ra tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma tuý cao.

Triển khai Chương trình phòng, chống ma tuý theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động ban hành Quyết định số 645/QĐ-BNN-KTHT ngày 14/02/2022 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy - Ảnh 1.

Người dân xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nhận dê sinh sản từ mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu – mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Ảnh: K. Lực

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy; tăng cường hiệu lực hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; xây dựng mô hình, dự án về xóa bỏ thay thế cây có chứa chất ma túy; kiểm tra, chỉ đạo, giám sát công tác phát hiện, xóa bỏ cây có chứa chất ma túy; tổng kết, đánh giá kết quả công tác phòng, chống ma túy thuộc lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp. 

Điểm mới trong công tác triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 là  Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng và tổ chức triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại các địa phương. Cụ thể, trong kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến bố trí 2 mô hình/năm và nguồn kinh phí được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp. 

Trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện 2 mô hình tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đây là 2 tỉnh có nguy cơ xẩy ra tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma tuý cao. Cụ thể, tại Lai Châu, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lai Châu xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu – mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Tại Lào Cai, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh Lào Cai triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma tuý năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lào Cai – mô hình trồng cây ăn quả ôn đới năm 2022.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy - Ảnh 3.

Người dân ở xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả ôn đới. Ảnh: T. Tùng

Để triển khai thực hiện các các mô hình này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành hướng dẫn quy trình thực hiện (Quyết định số 3533/QĐ-BNN-KTHT ngày 19/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025). Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm hiện tại các mô hình đã cơ bản hoàn thành, việc cấp phát hỗ trợ và tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình.

Theo thông tin của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (cơ quan tham mưu trực tiếp) giai đoạn trước, việc triển khai các mô hình/dự án ở các địa phương được thực hiện thông qua lồng ghép từ các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… 

Với việc được bố trí kinh phí xây dựng mô hình/dự án từ nguồn sự nghiệp kinh tế đã có nhiều thuận lợi hơn trong công tác triển khai thực hiện, chủ động được việc bố trí và triển khai theo đúng tiến độ, với đặc thù ngành nông nghiệp theo mùa vụ, việc bố trí và tổ chức xây dựng mô hình/dự án kịp thời càng giúp ích người dân tiếp cận và tổ chức có hiệu quả. 

Sau khi tổ chức kiểm tra việc thực hiện mô hình, các hộ dân có những phản ánh tích cực và mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có những hỗ trợ cho những năm tiếp theo, nhiều hộ dân chưa tham gia mô hình đề xuất mong muốn được tham gia.

Qua việc triển khai mô hình/dự án, Bộ Nông nghiệp và PTNT mà trực tiếp là Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đánh giá cao về kết quả, hiệu quả. Trong kế hoạch năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục giao cho các tỉnh triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy.

Tại Quyết định số 1452/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp và PTNT các địa phương, phối hợp với Công an và các ngành chức năng, kiểm tra, phát hiện, tổ chức triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy.

Triển khai chương trình mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn có nguy cơ trồng và tái trồng cao; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và dự án khuyến nông, khuyến lâm để thực hiện.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: "Hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy".

Bùi Quang Tuấn