dd/mm/yyyy

Hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Phong trào đã khơi dậy được tinh thần, dám nghĩ, dám làm của hội viên nông dân trong phát triển kinh tế gia đình.

Trong năm vừa qua, phong trào "nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững" do Hội Nông dân tỉnh triển khai đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Để triển khai hiệu quả phong trào, HND tỉnh Sơn La đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân thực hiện có hiệu quả các mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 1.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế của Hội nông dân tỉnh Sơn La đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đã phát động, triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đến cơ sở; phối hợp với các ngành chủ động tạo nguồn vốn để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, tranh thủ các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương. Tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; hình thành mô hình HTX liên kết với các hộ tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 2.

Mô hình trồng táo sơn tra của nông dân huyện Bắc Yên.

Trong năm vừa qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp 2,4 tỷ đồng xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, nâng tổng dư nợ Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên gần 52 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 171 dự án, giúp 1.318 hội viên được vay vốn; nhận ủy thác 1.230 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp 38.917 hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT 848 tỷ đồng giúp 9.020 hộ vay xây dựng các mô hình kinh tế thu nhập cao.

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lồng của Hội Nông dân Mường La.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trên 710 hội nghị tập huấn xây dựng, nhân diện mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm, nuôi nhốt bò thịt, bò sinh sản; hướng dẫn phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, thay thế cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho hơn 40.600 hội viên. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cung ứng trên 20.600 tấn phân bón, giống cây trồng các loại, thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 24 tỷ đồng. Tổ chức cho trên 2.400 lượt hội viên tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất rau, củ, quả tiêu biểu; tư vấn, hỗ trợ thành lập 29 HTX, tổ hợp tác và dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, hướng dẫn thành lập 20 chi hội nghề nghiệp và 34 tổ hội nghề nghiệp, với 1.809 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi... 

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 4.

Mô hình trồng Chanh leo của Hội Nông dân Sốp Cộp.

Theo ông Hoàng Sương: Từ các hoạt động thiết thực, đã giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với thị trường. Chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Điển hình như huyện Thuận Châu có mô hình 5 ha trồng cam, cà phê, chanh leo sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel thu nhập hàng trăm triệu đồng; mô hình trồng cam, chanh leo của Hội Nông dân huyện Phù Yên...

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 5.

Mô hình trồng lúa năng suất cao của nông dân huyện Phù Yên.

Từ phong trào "nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững", xuất hiện ngày càng nhiều hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2019, toàn tỉnh có trên 97.700 hộ nông dân đăng ký tham gia sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét có trên 46.100 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó,  262 hộ đạt cấp trung ương; 1.769 hộ đạt cấp tỉnh; 8.048 hộ cấp huyện, thành phố và 36.028 hộ cấp xã, phường, thị trấn. 

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp gần 59 tỷ đồng, hơn 154 ngày công lao động và cây trồng, vật nuôi giống, lương thực giúp 354 hộ nông dân hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La - Ảnh 6.

Mô hình nuôi gà thả vườn của nông dân thành phố Sơn La.

Có thể khẳng định, thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở Sơn La, đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân ở nông thôn, khơi gợi tinh thần năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Ngọc Mai