dd/mm/yyyy

Giải cứu người chăn nuôi lợn bằng cách nào trong cơn bão rớt giá

Qua 4 tháng đầu năm 2017, giá lợn xuất chuồng vẫn đà giảm, khiến người chăn nuôi lợn lao đao. Có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng viễn cảnh lợn giảm giá vẫn chưa có hồi kết.

Người chăn nuôi kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ vãn hồi giá lợn, tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa mấy lạc quan. Ảnh minh họa

Xuất khẩu thị trường Trung Quốc vẫn xa vời

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giá thịt lợn trong nước trong tháng 3/2017 cho biết, do nguồn cung dồi dào, Trung Quốc giảm mua, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000 – 3.000 đ/kg so với thời điểm cận và sau Tết.

Hiện có mức giá lợn hơi tại các tỉnh lần lượt là 31.000 – 32.000 đ/kg; 31.000 đ/kg và 29.000 đ/kg. Nhìn trong 3 tháng đầu năm, giá lợn hơi biến động giảm, ngay tại thời điểm cận Tết (giữa tháng 1), giá lợn hơi tại Đồng Nai ở dưới giá thành 26.000 – 30.000 đ/kg do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh khiến cung vượt cầu, không chủ động được thị trường và đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Người chăn nuôi lợn vẫn kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ để thoát tình trạng thua lỗ. Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch trình Chính phủ và làm việc với phía Trung Quốc để ký các hợp tác song phương, giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu lợn chính ngạch. "Tuy nhiên, để đàm phán sao cho hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích giữa hai bên thì cần phải có thời gian." Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay.

Theo dõi nhiều năm về diễn biến thịt lợn trên thị trường, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết những thời điểm mà Trung Quốc mua nhiều lợn hơi của Việt Nam là do trước đó quốc gia này có diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh gia tăng...

"Chúng tôi đang theo dõi diễn biến thị trường xuất nhập khẩu của Trung Quốc sau khi có thông tin quốc gia này tạm thời cấm nhập khẩu thịt lợn từ Brazil nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nhập khẩu lợn hơi trở lại vào thời gian này”, ông Công cho biết.

Lâu nay, lợn hơi của Việt Nam chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, phía TQ đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn qua các đường tiểu ngạch, do đó các thương lái xuất lợn sang TQ gặp rất nhiều khó khăn, bởi từ trước tới nay lợn vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, hầu như chưa từng xuất qua đường chính ngạch.

Sẽ tạm dừng tạm nhập tái xuất

Trước khó khăn của người chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhóm giải pháp để “cứu” ngành chăn nuôi lợn, trong đó kiến nghị xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng.

Đề xuất dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn và nội tạng kỳ vọng sẽ giảm áp lực giảm giá cho chăn nuôi trong nước. Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó, cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay trở lại thị trường nội địa và gây xuống cấp hạ tầng giao thông do khối lượng lớn với gần 3 triệu tấn các công hàng khổ lớn quá cảnh qua Việt Nam hàng năm.

Bộ đề nghị các địa phương rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp và giảm quy mô đàn lợn, nhất là lợn nái (chủ trương giảm 4,2 triệu nái hiện nay xuống ổn định ở dưới 3 triệu nái vào năm 2019), điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Trong đó gia tăng hơn phương thức chăn nuôi hữu cơ là thế mạnh của khu vực chăn nuôi nông hộ, vốn là đặc trưng của ngành chăn nuôi nước ta.

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Hỗ trợ cho người chăn nuôi

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.

Người chăn nuôi lợn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng. Ảnh minh họa

Theo Bộ NN&PTNT, hiện tổng công suất các nhà máy có đăng ký kinh doanh đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với dự kiến kế hoạch định hướng đến năm 2020 là 25 triệu tấn.

Xem thêm >> Doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ hơn 30.000 con lợn VietGAHP

Về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó, có giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có tiềm năng.

Đồng thời, giám sát và hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh tăng trưởng trong chăn nuôi để phát triển chăn nuôi sạch đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề quy hoạch, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là cần thiết cùng đó là những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho người chăn nuôi lợn để ổn định vùng nuôi.

Trọng Nhân