dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay: Cà phê Việt Nam dự báo sản lượng tăng, xuất khẩu giảm?

Chỉ còn hơn một tháng nửa niên vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam mới bắt đầu. Trước đó đã có nhiều dự báo sản lượng sẽ tăng do được mùa, nhưng cà phê Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, cửa xuất khẩu hẹp dần.

Giá cà phê trong nước giảm mạnh trong các phiên giao dịch cuối tháng 8. Ảnh minh họa

Dù lượng cà phê tồn kho không còn nhiều, nhưng giá cà phê trong nước vẫn giảm mạnh trong phiên chốt tháng 8 kéo giá cà phê về mức đáy. Diễn biến này cũng phản ảnh xu hướng biến động trên thị trường thế giới.

Mở đầu phiên giao dịch tháng 9, cả hai sàn đóng cửa đều giảm do những tác động đến từ các tin tức kinh tế của Mỹ.

Sàn Robusta trong ngày đầu tiên của thông báo giao hàng tháng 9 giao dịch ở mức khá thấp so với mọi ngày. Thị trường cũng ghi nhận có 126 lô hàng được đấu thầu nhưng tác động của nó lên sàn giao dịch rất khiêm tốn. Các hoạt động giao dịch chủ yếu bám quanh mức 2068 (kỳ hạn tháng 11) là mức 100 MA. Tổng lượng giao dịch ước đạt 9.082 lô, bao gồm 2.275 lô chuyển tháng. Lượng hợp đồng mở giảm 3.056 lô đạt mức 97.497 lô.

Trong khi đó sàn Arabica tiếp tục di chuyển lên cao từ mức thấp mới 126,9 (kỳ hạn tháng 12) của tuần này. Theo các thương nhân, chính các thông tin nhiệt độ ấm hơn tại các vùng cà phê Brazil và dự báo có thể thiếu mưa trong 10 ngày tới là lí do để các giao dịch hy vọng sẽ giữ giá vững trong tuần sau. Tổng lượng giao dịch ước đạt 22.151 lô với 4.301 lô chuyển tháng. Lượng hợp đồng mở tăng thêm 3.031 lô, đạt mức 199.662 lô.

Mở đầu phiên giao dịch tháng 9, cả hai sàn đóng cửa đều giảm. Ảnh minh họa

Thông báo từ Hiệp hội cà phê Nhật Bản (All – Japan) cho biết, hệ thống kho Tokyo – Yokohama – Nagoya – Osake – Kobe ghi nhận đạt mức tồn kho 201.128 tấn vào cuối tháng 7, giảm 517 tấn tức giảm 0,26% so với tháng 6. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 6,22%.

 Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) báo rằng xuất khẩu cà phê thế giới tháng 7 năm 2017 đạt 9,38 triệu bao, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, dù hai nước lớn nhật là Brazil và Việt Nam xuất khẩu giảm. Xuất khẩu 10 tháng đầu niên vụ 2017/18 đến hết tháng 7.2017 ước đạt 101,93 triệu bao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo CFTC ngày 29.8, các quỹ bảo hiểm lớn đã mua 6.084 lô và đã bán 10.757 lô. Các quỹ hàng cũng đã bán 7.350 lô và giảm vị thế bán xuống còn 26.362 lô. Các tay chơi hàng giấy nhỏ tăng vị thế mua lên 272 lô, đạt mức 33.702 lô trong khi các thương nhân nhỏ mua vào 820 lô đạt mức 3.471 lô.

Các thương nhân Brazil cũng nhận xét, do thời tiết 10 ngày tới ít mưa nên khả năng đợt ra hoa này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nếu thời tiết khô nóng kéo dài thì dự báo năng suất 60 triệu bao của vụ sau cần được xem xét lại bởi sau khi ra hoa cây cà phê cần mưa để phát triển hạt.

Các dự báo về thời tiết cho thấy sẽ có 1 đợt không khí lạnh nhẹ tràn vào các vùng cà phê Brazil và sẽ làm giảm nhiệt độ khô nóng. Các tin tức về khí hậu vào đợt ra hoa này của Brazil đang được các thương nhân quốc tế theo dõi rất sát sao và bất cứ thông tin nào gây ảnh hưởng đều có thể tác động lên giá sàn New York.

Lý giải về nguyên nhân giá cà phê nội địa không tăng mạnh, các nhà phân tích cho rằng, có thể do sức mua nhập khẩu của khách nước ngoài yếu trong khi hàng cà phê niên vụ mới ở Brazil đã ra rộ từ hơn hai tháng nay và hàng vụ mới của Việt Nam cũng gần kề đến thời gian thu hái.

Sản lượng cà phê VN trong niên vụ mới dự báo sẽ tăng 7,1%. Ảnh minh họa

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê Việt Nam ước tăng khoảng 7,1% so với niên vụ trước lên 28,6 triệu bao trong niên vụ 2017 – 2018, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và người dân tích cực dùng phân bón. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ vẫn giảm vì dự trữ cà phê từ niên vụ trước còn rất thấp.

Theo đó, USDA ước tính xuất khẩu cà phê niên vụ 2017 – 2018 của Việt Nam sẽ giảm 1% so với niên vụ trước, xuống thấp nhất 3 năm ở 24 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối kỳ cũng chỉ còn 1,3 triệu bao, tăng nhẹ so với niên vụ trước.

Bình Nguyên