dd/mm/yyyy

Đôi vợ chồng vay100 triệu đồng quyết trồng nấm sạch, mong “ở hiền gặp lành”

Rời việc làm công ăn lương, cô vợ vào TP.Hồ Chí Minh học kỹ năng kinh doanh, còn anh chồng - giảng viên nông nghiệp - mày mò dựng trang trại trồng nấm rơm với quyết tâm khởi nghiệp thành công.

Đó là câu chuyện khởi sự trang trại nấm Thiên Quang của thạc sĩ Trần Thanh Quang (46 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ, Đại học Phú Yên) và vợ là Nguyễn Phương Hiền (42 tuổi). Trang trại nấm này đặt ở xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên.

Khởi nghiệp trồng nấm với 100 triệu đồng vốn vay

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Phương Hiền cho biết: "Tôi vốn làm kế toán cho các doanh nghiệp, nhưng bao năm mà thấy không khá lên được, thế là xin nghỉ để chuyển hướng kinh doanh. Sau nhiều trăn trở, vợ chồng tôi quyết định khởi sự trang trại trồng nấm rơm từ khoảnh đất vườn của cha mẹ tôi. 

Chồng tôi vốn là giảng viên Khoa Nông nghiệp, có am hiểu về kỹ thuật trồng nấm; còn tôi có máu kinh doanh. Thế là gom góp, vay mượn tiền lập trang trại nấm Thiên Quang - tên ghép từ tên chồng và con trai tôi".

Quyết trồng nấm sạch, mong “ở hiền gặp lành” - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Trần Thanh Quang trong trại trồng nấm rơm. Ảnh: Đức Tuấn

Đầu năm 2020, với khoảng 100 triệu đồng vốn vay ban đầu, vợ chồng chị Hiền thuê nhân công xây dựng lần lượt 4 trại trồng nấm. Toàn bộ diện tích 1.500m2 đất vườn được 2 vợ chồng bố trí hợp lý từ hồ ngâm rơm, nơi chất đống ủ, khu vào meo giống, nhà nuôi nấm…

Anh Quang bày tỏ: "Tôi đã dạy cho nhiều học trò trồng nấm thành công. Rồi bản thân tôi cũng làm vài liếp nấm nhỏ để có nấm ăn trong gia đình. Thế nhưng khi mình trực tiếp làm nấm quy mô kinh doanh thì lại gặp không ít khó khăn. Trại nấm rộng nên đòi hỏi lắp đặt hệ thống che ủ phải đồng bộ". 

"Trồng nấm không khác gì chăm con mọn, vì nấm rơm dễ bị tác động khi thời tiết thay đổi; phải canh thời gian vào giống sao cho khi thu hoạch nấm đúng dịp ngày rằm, đầu tháng để bán được giá hơn ngày thường. Phải thức khuya dậy sớm để hái nấm kịp giao bạn hàng. Ban đầu có vất vả nhưng rồi cũng dần quen, chúng tôi ngày càng mê thích với việc trồng nấm hữu cơ" - anh Quang nói.

Quyết trồng nấm sạch, mong “ở hiền gặp lành” - Ảnh 2.

"Dẫu kiểu trồng nấm của vợ chồng tôi có thể năng suất không cao, mẫu mã không đẹp bằng một số nơi khác, nhưng vợ chồng tôi vẫn kiên trì làm nấm hữu cơ. Nấm chỉ lớn lên từ rơm và cám gạo".

Chị Phương Hiền

Hiện tại, khu nhà kệ nuôi nấm của vợ chồng anh Quang đã đi vào ổn định, cho năng suất và hiệu quả cao. Gần đây, vợ chồng chị Hiền tiếp tục triển khai trại trồng nấm trụ. 

Anh Quang giải thích: "Rơm sau khi ủ chín, tôi cho cấy giống đắp xoay quanh từng trụ gỗ dựng đứng. Trồng theo trụ như thế này rất dễ quây bạt tạo độ nóng cho tơ nấm phát triển đều, nấm mọc xoay tròn theo trụ, rất dễ dàng khi thu hái".

Lên kế hoạch "xông ra chợ"

Theo chị Hiền, khi đã trồng nấm kinh doanh thì phải tính toán chi li từ đầu vào đến đầu ra. Đó là việc tìm nơi đặt hàng mua rơm ngay từ đầu mỗi vụ lúa. Điều này nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, giá rơm thấp hơn khi vào thời điểm khan hiếm. Bên cạnh đó, anh chị liên tục tập huấn nhân công bám chắc các khâu kỹ thuật, nhằm khai thác hiệu quả nhất từng đợt ủ nấm rơm.

Quyết trồng nấm sạch, mong “ở hiền gặp lành” - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Phương Hiền đang sơ chế nấm rơm. Ảnh: Đức Tuấn

Song song với xây dựng trang trại, chị Hiền lên kế hoạch "xông ra chợ" để lo đầu ra. Với sản phẩm nấm rơm, áp lực từ khi thu hái đến tay khách hàng thường chỉ trong vài giờ. Chị Hiền đã lặn lội, lân la đến từng đầu mối tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn để chào hàng. Trang Zalo, Facebook cá nhân cũng được anh chị dành thời gian chăm chút hơn, dần trở thành kênh giới thiệu, trực tiếp bán nấm. Cứ thế, chị Hiền tíu tít cả ngày từ trại nấm đến việc chốt đơn, gửi hàng.

Rồi chị Hiền tính toán: "Tôi đang cố gắng tìm đến các khách hàng thích dùng nấm sạch, để giá cả đầu ra được cao hơn. Giá nấm rơm tại Phú Yên hiện đang trên dưới 100.000 đồng/kg tùy thời điểm, trang trại Thiên Quang bước đầu đã có hiệu quả. Mỗi tháng thu hoạch 2 đợt chính, doanh số chỉ mới vài chục triệu đồng. Lợi nhuận đang còn tính vào khấu hao nhà trại. Đến cuối năm nay, bắt đầu sẽ có lãi ròng". 

Với nguồn rơm thải, vợ chồng chị Hiền tiến hành phối trộn, ủ thành phân hữu cơ để trồng rau và cây ăn trái. Lộ trình tiếp theo của trang trại Thiên Quang là trồng nấm bào ngư, nấm linh chi…

Từ ngày lập trang trại, ngay đầu trang mạng cá nhân, chị Nguyễn Phương Hiền viết đậm: "Cam kết nấm rơm tươi ngon, bổ dưỡng và đặc biệt không hóa chất độc hại, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng". Bên dưới ghi rõ tên người phụ trách kỹ thuật là anh chồng thạc sĩ với đầy đủ chức danh, điện thoại, địa chỉ trang trại.

Về nỗi lo của người tiêu dùng khi sợ nhiều loại thực phẩm "vàng thau lẫn lộn", chị Hiền khẳng định: "Bước ra chợ, ra thương trường thì không thể cạnh tranh bằng cách nói xấu, hạ thấp sản phẩm người khác. Thế nhưng, tôi phản đối cách trồng nấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, phân bón vô cơ. Rau quả có quang hợp, trao đổi chất mà vẫn tồn dư chất độc hại. Còn với nấm thì dinh dưỡng "có sao ăn vậy" nên các tồn dư càng nguy hại. Dẫu có thể năng suất không cao, mẫu mã không đẹp bằng nhưng vợ chồng tôi vẫn kiên trì làm nấm hữu cơ. Nấm chỉ lớn lên từ rơm và cám gạo".

Ông Nguyễn Trí Hùng (ở phường 3, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) nhận xét: "Tôi ăn chay trường nên thường xuyên dùng nấm rơm. Thế nhưng các tiểu thương nhập nấm từ nhiều nguồn, mình chả biết đâu là nấm sạch, an toàn. Tôi rất mừng khi biết được vợ chồng thầy Quang kiên trì với việc trồng nấm sạch, vì thế tôi không chỉ mua ăn thường xuyên mà còn kêu gọi bạn bè mua nấm từ trang trại này". 

Đào Đức Tuấn