dd/mm/yyyy

Điện Biên Đông: Dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo

Tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, huyện Ðiện Biên Ðông (Điện Biên) đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn, thực hiện các dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn. Nhiều mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Điện Biên Đông dồn lực xóa nghèo

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Ngọc La, Chủ tich UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: "Với một huyện nghèo như Điện Biên Đông thì nguồn lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo chủ yếu dựa vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước. Nhưng làm sao để các chương trình hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất thì đây mới là vấn đề. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khi triển khai dự án phải đảm bảo đúng đối tượng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, có như thế nguồn vốn hỗ trợ mới đến được các hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống".

Điện Biên Đông: Dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện Điện Biên Đông được hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, đém lại hiệu quả cho người nghèo. Ảnh Vinh Duy.

Sau khi triển khai, huyện đều có đánh giá hiệu quả của từng chương trình hỗ trợ xem có phù hợp với Điện Biên Đông. "Chúng tôi phải đánh giá hiệu quả của từng chương trình để có bài học kinh nghiệm khi triển khai các chương trình khác. Nhà nước hỗ trợ người dân để tạo sinh kế thì rất tốt, nhưng có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của địa phương hay không thì mình phải đánh giá. Ví dụ như dự án cấp bò sinh sản cho hộ nghèo, nếu không đánh giá hiệu quả của các dự án trước mà cấp bò lai cho dân chăn nuôi thì chương trình sẽ thất bại. Hay như việc cấp giống gia cầm cho hộ nghèo, nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì giá giống cao, con giống không đảm bảo… như vậy chương trình hỗ trợ của nhà nước cho hộ nghèo thì rất tốt, nhưng hiệu quả sẽ không được như mong muốn" ông Bùi Ngọc La chia sẻ thêm.

Năm 2020, gia đình anh Vàng A Chua, bản Tìa Mùng (xã Noong U) được Hội Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Anh Chua đã mua được 5 con bò sinh sản. Ðến nay, tổng đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên 10 con. Từ năm 2022, anh Chua bắt đầu xuất bán bò, mỗi năm thu nhập gần 60 triệu đồng.

Điện Biên Đông: Dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Năm 2020, gia đình anh Vàng A Chua, bản Tìa Mùng (xã Noong U) được Hội Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đến nay gia đình anh Chua đã có mức thu nhập khá ở xã. Ảnh Vinh Duy.

Anh Vàng A Chua cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, lúa trên nương. Từ lâu tôi đã muốn phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản song chưa thể thực hiện vì không có vốn. Năm 2020, Hội Nông dân huyện triển khai dự án hỗ trợ sản xuất, tôi đã đăng ký tham gia và là 1 trong 6 hộ được lựa chọn thực hiện dự án. Thực hiện dự án, ngoài hỗ trợ tiền để mua con giống, Hội Nông dân huyện, xã hướng dẫn tôi dựng chuồng trại kiên cố; tích trữ rơm rạ và trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho bò. Ðến nay tôi đã trả hết nợ và có đàn bò 10 con.

Ông Cứ A Chá, Chủ tịch UBND xã Noong U cho biết: Ðể cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, thời gian qua UBND xã Noong U đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như: Vốn tín dụng chính sách, Quỹ hỗ trợ nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình của Trung ương và địa phương giúp người dân triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ Quỹ hỗ trợ nông dân, năm 2020 xã Noong U được Hội Nông dân huyện phân bổ gần 200 triệu đồng triển khai dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho 6 hộ dân. Ðến nay, 100% hộ đã hoàn vốn lại cho Hội Nông dân. Ðồng thời, 6/6 hộ đã phát triển đàn gia súc theo hướng gia trại với tổng đàn đạt 8 - 12 con/hộ. Hiện nay, UBND xã đang tiếp tục rà soát và triển khai dự án đối với 6 hộ dân khác.

Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai 11 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc với tổng nguồn vốn gần 3 tỷ đồng. 100% mô hình, dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hội viên có việc làm ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

Điện Biên Đông: Dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Các chương trình hỗ trợ cho nông dân, đã tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh Vinh Duy.

Song song hỗ trợ vốn ưu đãi, những năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông đã lồng ghép triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh như: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn của tỉnh.

Niềm vui của người nghèo Điện Biên Đông

Từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp năm 2023, tháng 5 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai 14 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao tại 14 xã, thị trấn. Tổng quy mô các dự án là 274,6ha, với 1.031 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc giống lúa nếp 97.

Ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Các dự án được người dân đồng thuận và tham gia nhiệt tình. Hiện nay, các mô hình lúa chất lượng cao đang ở giai đoạn trổ bông, chuẩn bị cho thu hoạch. Dự kiến năng suất lúa trung bình đạt 72,5 tạ/ha. Mô hình đạt năng suất thấp nhất khoảng 63 tạ/ha; mô hình đạt năng suất cao nhất 82 tạ/ha.

Mường Luân là một trong những vựa lúa lớn của huyện Ðiện Biên Ðông. Những năm gần đây, huyện đã tích cực đầu tư các dự án áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; áp dụng bộ giống mới năng suất, chất lượng cao tại các cánh đồng xã Mường Luân. Nhờ đó, trình độ canh tác lúa của người dân ngày càng được nâng cao.

 Ông Lò Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Các mô hình, dự án phát triển sản phẩm lúa chất lượng cao giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước thay thế các giống lúa địa phương bằng các loại giống lúa thuần chất lượng cao; trình độ canh tác ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Vụ mùa năm nay, xã Mường Luân có 20ha phát triển giống lúa chất lượng cao - nếp 97 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai. Ðến nay, 100% diện tích lúa đang giai đoạn trổ bông, năng suất ước đạt 70 tạ/ha.

Vinh Duy