dd/mm/yyyy

Đắk Nông: "Hụt hơi" theo chanh dây

Giá chanh dây tăng cao, nên nhiều nông dân đã lao theo trồng loại cây này. Diện tích chanh dây vì thế tăng nhanh, trong khí giá cả lại thất thường khiến nhiều nông dân thua lỗ.

Tháng 9/2022, khi giá chanh dây đang được thu mua với giá 14.000 - 15.000 đồng/kg, chị Đoàn Thị Hằng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) bắt tay trồng loại cây này. Chị đầu tư mua 4 thùng cây giống, trồng trên 4 sào đất trống của gia đình.

Thời điểm chị trồng chanh dây, giá cây giống mỗi thùng 2,8 triệu đồng. Ngoài giống, chị đầu tư thêm dây kẽm, trụ, phân, thuốc... hết gần 80 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư 4 sào chanh dây hết hơn 100 triệu đồng.

Chị Hằng cho biết, đến thời điểm này, chanh dây đã thu hoạch được khoảng 2 tháng. Thế nhưng, giá chanh dây lại liên tục giảm. Tổng nguồn thu từ chanh dây đến nay chỉ được khoảng 20 triệu đồng.

"Hơn một tháng nay, giá chanh dây chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg nên tôi rất nản. Với giá này, tôi phải cắt giảm đầu tư, nhưng vườn chanh lại tàn nhanh. Còn nếu tiếp tục đầu tư thì lỗ nặng hơn", chị Hằng cho biết.

Tương tự, tháng 11/2022, anh Nguyễn Văn Trung, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), đầu tư trồng 1.000 cây chanh dây trên 8 sào đất. Tổng chi phí đầu tư trụ, cây giống, dây kẽm, phân bón hết hơn 100 triệu đồng.

Thời điểm anh xuống giống, giá chanh dây thu mua dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, anh thu được 3 đợt quả, khoảng 5 tạ chanh, nhưng chỉ bán được với giá 7.000 đồng/kg.

Đắk Nông: "Hụt hơi" theo chanh dây - Ảnh 1.

Nhiều nông dân trồng chanh dây có nguy cơ thua lỗ vì giá bán thấp

Anh Trung cho biết, vườn chanh dây được anh chăm sóc theo hướng hữu cơ, nên chi phí đầu tư cao hơn. Thế nhưng, thu nhập lại chẳng được là bao, nên anh có phần chán nản.

Thời gian qua, chanh dây được người dân nhiều địa phương mở rộng diện tích. Có những thời điểm trên địa bàn tỉnh “cháy” hàng cây giống.

Việc người dân “ồ ạt” mở rộng diện tích chanh dây đã dẫn đến tình trạng thừa hàng, giá liên tục giảm và duy trì mức thấp trong hơn một tháng qua.

Đắk Nông đang bước vào mùa mưa, các loại bệnh trên chanh dây bắt đầu xuất hiện nhiều. Trong đó, có nhiều loại bệnh như nấm gốc gây chết dây; nấm quả gây rụng quả; các loại côn trùng chích hút...

Để có chanh thu hoạch buộc người dân phải bỏ thêm công sức, chi phí phân bón, thuốc men... Nhiều nông dân lo ngại không thu hồi được vốn, nên đã cắt giảm chi phí đầu tư. Việc này sẽ làm cho tuổi thọ vườn chanh giảm, nhanh tàn.

Theo tính toán của nhiều nông dân, giá chanh dây từ 3.000 - 5.000 đồng/kg thì rất khó thu hồi vốn đầu tư. Thậm chí, nếu đầu tư bài bản sẽ dẫn tới thua lỗ nặng hơn.

Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn  713 ha chanh dây, năng suất bình quân đạt 8,11 tấn/ha, sản lượng đạt 4.815 tấn/năm.

Chanh dây tập trung nhiều ở các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Song... Loại cây trồng này phát triển mạnh diện tích từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đã có văn bản khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích chanh dây; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng chanh dây.

Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, chất lượng cây giống chanh dây. Từ đó, bảo đảm nguồn giống chanh dây chất lượng khi cung cấp ra thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.

Để phát triển bền vững chanh dây trên địa bàn, ngành Nông nghiệp định hướng các hộ sản xuất cần liên kết, thành lập HTX, doanh nghiệp.

Việc này sẽ giúp các vùng chanh dây được cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để kết nối đầu ra, ổn định sản xuất, hướng tới xuất khẩu...


Hưng Nguyên