dd/mm/yyyy

Chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh

Kinh tế trang trại lâu nay vẫn tồn tại dưới hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Liên kết, hợp tác sẽ giúp các chủ trang trại phát huy thế mạnh, hình thành chuỗi sản xuất và chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Để liên kết bền vững, một số chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, hiện các chính sách khuyến khích liên kết doanh nghiệp với nông dân vẫn chưa đủ mạnh.

Sản xuất rau sạch theo chuỗi tại Vĩnh Long

Mới chỉ là các mô hình

Đánh giá về hiệu quả của liên kết theo chuỗi, PGS. TS. Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, ở thời điểm này cũng đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình mới về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, mặc dù chưa phổ biến toàn quốc nhưng đã có những kết quả nhất định.

Ông Vang dẫn chứng, trong lĩnh vực chăn nuôi, các đơn vị tuy còn nhỏ lẻ nhưng nhờ liên kết đã góp phần tạo sức ép để nhà sản xuất TACN giảm giá thành. Có nhiều nhà chăn nuôi đã biết liên kết lại để cùng nhau tới tận nhà máy lấy TACN với giá gốc, giảm được từ 5-10% chi phí ở khâu trung gian.

Các mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi này hiện nay đã và đang phát huy được tác dụng, không chỉ đem lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Tuy nhiên, tôi cho rằng rất cần có thêm các mô hình như thế này trong thời gian tới. Muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh thì  không thể cứ sản xuất nhỏ lẻ mãi được. Hiện tại, trong số các nước TPP có rất nhiều nước có lợi thế về chăn nuôi, nếu chúng ta cứ tiếp tục chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì rất khó có thể cạnh tranh sòng phằng với các nước trong TPP nên cần phải giúp nông dân liên kết lại với nhau” ông Vang cho hay. 

Cũng theo ông Vang, để có thêm các mô hình sản xuất theo chuỗi, vai trò của Chính phủ là quan trọng, không chỉ hướng dẫn cho người dân làm cho đúng  theo quy trình mà còn phải thường xuyên, thanh kiểm tra để đảm bảo người dân tuân thủ quy trình đó. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng phải chứng nhận sản phẩm khi đã thực hiện đúng quy trình và chịu trách nhiệm với sản phẩm đã chứng nhận để giúp tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi và đưa sản phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.

Chỉ ra những bất cập, ông Vang cho rằng, xét ở góc độ sản xuất theo chuỗi sản phẩm, từ sản xuất đến bàn ăn của chúng ta mới đang triển khai dưới dạng mô hình, trong khi đó thế giới coi đây là một trong những khâu then chốt và xuyên suốt quá trình sản xuất. Nếu làm tốt được khâu liên kết sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi. Bởi không còn khâu trung gian, hạn chế dịch bệnh, sản phẩm có độ đồng đều cao… và giá trị sẽ được chia đều cho từng công đoạn. Ngoài ra, cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là khối trang trại để họ có kỹ năng chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp.

Cần hỗ trợ nhất là tiêu thụ

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, vừa qua, Bộ NNPTNT có dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy các mô hình này tuy có kết quả rất tốt nhưng vẫn chưa nhận rộng được do khó khăn ở đầu ra cho sản phẩm.

“Vừa qua, tôi cũng tham gia các đoàn đi khảo sát tại các địa phương xem thực tế về nhu cầu xây dựng chuỗi thực phẩm rau an toàn của các địa phương. Khi được hỏi, cả người dân và doanh nghiệp đều cho rằng, cần thiết hỗ trợ nhất là khâu tiêu thụ”. Ông Hồng cho hay.

 Bởi, theo ông Hồng, nếu không có đầu ra cho sản phẩm thì nhiều nơi tổ chức sản xuất rất tốt nhưng lại không bán được, dẫn tới các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi thua lỗ hoặc lãi suất thấp. Do đó, phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ, giúp họ đầu tư cho khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, tiếp thị… để tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất.

Sản xuất khoai tây liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp tại Bắc Giang

Thực tế cho thấy, trước đây các chính sách hỗ trợ chủ yếu là tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, gần đây cho thấy, nếu sản phẩm tiêu thụ được giá ổn định thì người dân hoàn toàn có thể sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất. Chẳng hạn vừa rồi, xuất khẩu nông sản đi EU, Nhật Bản, Mỹ… nếu tiêu thụ được giá cao sẽ khuyến khích nông dân liên kết để sản xuất đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ông Hồng cho biết thêm.

Cứ để tình trạng sản xuất ra sản phẩm tốt rồi mà không biết bán đi đâu thì sẽ rất khó khuyến khích liên kết, sản xuất theo chuỗi. (Ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật).

Cũng theo ông Hồng, Bộ NNPTNT cần có đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ. Hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp đã bắt tay với nông dân thực hiện sản xuất theo chuỗi, dù chưa có chính sách hỗ trợ, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn còn rất khiêm tốn. Cần phải có chính sách đủ mạnh để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi. Chỉ có doanh nghiệp mới là đầu tàu trong lĩnh vực này.

Thanh Xuân