dd/mm/yyyy

Chỉ 25.000 đồng/kg, giá lợn thấp nhất trong lịch sử bằng giá khoai lang

Hiện giá lợn hơi chỉ còn 25.000 đồng/kg, giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi. Giá lợn trong nước cũng thấp hơn giá thế giới và đà giảm giá chưa có dấu hiệu dừng lại khi nguồn cung tiếp tục tăng lên.

Người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ khi giá lợn ngày càng giảm mạnh. Ảnh minh họa.

Chưa bao giờ người chăn nuôi lợn khó khăn như hiện nay, khi giá lợn hơi xuất chuồng ngang với giá khoai lang ở chợ.

1kg lợn bằng 1kg khoai lang

Tại xã Ngọc Lũ – thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc – nhiều người chăn nuôi đang lao đao vì lợn ế, lợn rẻ do thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng, thị trường ảm đạm.

Người chăn nuôi cho biết, giá lợn thịt đang ở mức rẻ nhất trong lịch sử nuôi lợn từ trước đến giờ, chỉ 25.000 đồng/kg. Dân nuôi lợn đang phải vật lộn từng ngày với đàn lợn lên đến cả ngàn con/hộ.

Lợn giảm giá, khó xuất bán trong khi chi phí thức ăn gia tăng khó khăn thêm chồng chất. Ảnh minh họa

Bão rớt giá không chỉ đẩy người nuôi lợn vào cảnh trắng tay, thua lỗ mà các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn cũng ngồi trên đống lửa.

Tại hội nghị tìm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn, ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, giá lợn thịt của Việt Nam đang thấp nhất từ trước đến nay trong lịch sử, và cũng là thấp nhất trên thế giới. Hiện nay giá thịt lợn hơi chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, một số địa phương chỉ ở mức 25.000 đồng/kg.

Lý giải tình trạng trên, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung thịt lợn quá lớn dẫn tới dư thừa. Ngoài ra, khâu chế biến trong nước còn yếu, việc giết mổ trong nước chủ yếu bán tươi, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài.

Chi phí đang ăn hết lợi nhuận ngành chăn nuôi

Chỉ ra một trong những hạn chế trong xuất khẩu thịt lợn hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Tổ chức ngành hàng chúng ta chưa tốt, trong sản xuất hiện nay, có 45% quy mô trang trại vừa và lớn, 55% vẫn ở quy mô vừa và nhỏ. Đây là nguyên nhân giá thành cao, không có điều kiện sản xuất chuỗi.

Chăn nuôi nhỏ, thiếu liên kết khiến chi phí tăng cao làm giảm lợi nhuận người chăn nuôi. Ảnh minh họa

Tổ chức thị trường kém, chưa phát triển, chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ khiến liên kết trong chuỗi yếu kém. Người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước những biến động thị trường”, ông Cường chỉ rõ.

Ngoài ra, theo ông Cường xuất khẩu mới chỉ tập trung ở một số ít thị trường như Hông Kông, Singapore, hầu hết các thị trường lớn chúng ta chưa tiếp cận được. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lớn rất lớn nhưng chúng ta cũng chưa tiếp cận được thị trường này theo đường chính ngạch.

Các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích

Phát biểu trước 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các hiệp hội ngành hàng tham dự hội nghị, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị các doanh nghiệp phải hạ giá thành đầu vào bằng cách rà soát lại tất cả công đoạn quản trị, rà soát lại toàn bộ quy trình, cơ cấu.

“Sự chia sẻ này chính là cách chúng ta nuôi dưỡng duy trì sự bền vững của ngành hàng và đối tượng phục vụ của mình”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Thậm chí, ông Cường cho rằng lúc này doanh nghiệp bán hàng không cần lấy lãi mà cần thể hiện trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi.

“Sự chia sẻ này chính là cách chúng ta nuôi dưỡng duy trì sự bền vững của ngành hàng và đối tượng phục vụ của mình”, ông Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải nhanh chóng giảm số lượng heo thịt, đặc biệt là từ số lượng lợn nái từ 4,2 triệu con hiện nay xuống 3 triệu con vào năm 2020.

Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sâu chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt lợn, không để tình trạng bán tươi theo cách cổ truyền tiếp diễn. Đặc biệt, hướng đến xuất khẩu chính ngạch thịt lợn ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc.

“Trước mắt phải giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y. Đây là vấn đề đầu tiên và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay tức thì”, ông Cường nói thêm.

Ông Cường cũng tiết lộ, Bộ NN&PTNT đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Việt Nam sẽ tích cực đàm phán để xuất khẩu lợn chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Sắp tới, tại hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sẽ sang làm việc trực tiếp với Việt Nam về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt lợn. Ông Cường kỳ vọng hai bên sẽ tìm được giải pháp để xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Chưa bao giờ vấn đề lợn rớt giá lại cấp bách như hiện nay. Giá lợn vẫn tiếp đà giảm trong khi người chăn nuôi lợn kỳ vọng những giải pháp mạnh và thiết thực hơn.

BC