dd/mm/yyyy

Chàng kỹ sư công nghệ 'rẽ ngang' nuôi lươn giống

Sau 4 năm học đại học Công nghệ thông tin từ Singapore về nước, chàng kỹ sư trẻ La Hữu Lộc lại chọn cho mình một ngã rẽ, thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi ươm lươn giống. Và công việc “trái nghề” này đã thu hút anh mãnh liệt, tạo thương hiệu lươn giống Cần Thơ nhiều nơi biết đến.

Anh Lộc bên trại ươm lươn giống của HTX Thuận Thiên.

Ngã rẽ tạo bước ngoặt mới

Anh La Hữu Lộc - Chủ nhiệm HTX Thuận Thiên (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), cho biết: Anh xuất thân từ dân công nghệ thông tin, sau 4 năm du học và làm việc tại Singapore về nước, thay vì tiếp tục công việc của một quản trị viên, anh rẽ sang hướng nghiên cứu con giống thủy sản để phát triển sự nghiệp.

Ban đầu, anh chọn nuôi thử một vài loại con giống như lươn, cá thát lát cườm, cá kiểng và cuối cùng nuôi lươn giống vì thấy thị trường khan hiếm, đầu ra ổn, lươn thịt bố mẹ có giá trị kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Bảy - xã viên HTX Thuận Thiên, cho biết: Trước đây anh chỉ ươm con giống bán lẻ. Từ ngày tham gia HTX được các thành viên hỗ trợ đầu mối khách hàng, trại đã có đơn hàng lớn từ các trang trại lên đến hàng chục nghìn con. Chính nhờ cách làm đó mà thu nhập gia đình cũng ổn định hơn.

Cuối năm 2014, được sự hỗ trợ của địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của các thầy, cô khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, anh Lộc thành lập HTX thủy sản Thuận Thiên sản xuất và cung ứng con giống thủy sản các loại ra thị trường, con giống chủ đạo là lươn giống. Để thuận tiện giao dịch mua bán, anh Lộc cùng các thành viên HTX mở trại lươn giống Tam Lộc (Quốc lộ 91B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy) làm điểm trung tâm ươm con lươn bột và bán lươn giống.

Lươn bột sau khi được ươm sẽ chuyển cho các trại giống thành viên ươm thành lươn giống, sau đó chuyển ngược về nuôi tập trung tại trại Tam Lộc để cung ứng lươn thành phẩm cho khách hàng. Với đơn hàng lớn, anh liên kết các địa phương tìm mối đặt hàng con giống thủy sản các loại để đưa về cho các trại thành viên ươm; liên hệ lại với các sinh viên khoa thủy sản từng trao đổi kỹ thuật tại trường đại học Cần Thơ, ra trường tự lập mô hình khởi nghiệp để tìm đầu ra cho con giống.

Mỗi năm cung cấp 400 nghìn lươn giống

Để đưa ra thị trường những con giống chất lượng, anh Lộc thường xuyên tổ chức, mời các giảng viên khoa Thủy sản trường đại học Cần Thơ về chuyển giao kỹ thuật cho các xã viên; thành lập website để quảng bá thương hiệu lươn giống, cá giống. Nhờ đó, HTX hoạt động ổn định, nguồn giống và thị trường đầu ra con giống ngày càng mở rộng.

Sinh viên trường Đại học Cần Thơ đang thực tập tại trại lươn giống.

Hiện tại, HTX có 7 xã viên, 9 trại ươm giống, đã cung ứng con giống các loại cho người nuôi khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Trung. Tính 6 tháng cuối năm 2016, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường 400 nghìn con lươn giống. 6 tháng đầu năm 2017, HTX đã sản xuất cung ứng 200 nghìn con lươn giống, 100 nghìn con cá kiểng, các giống các loại. Kế hoạch năm 2017, HTX sản xuất cung ứng ít nhất 400 nghìn con lươn giống, 200 nghìn con cá giống các loại.

Thầy Nguyễn Thanh Hiệu, giảng viên khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Hiện nay lươn giống tự nhiên ngày càng khang hiếm thì giống nhân tạo là lựa chọn đúng hướng của anh Lộc và các thành viên HTX. Hiện tại tôi cũng hỗ trợ kỹ thuật thêm cho HTX nghiên cứu giống mới, có giá trị kinh tế cao, như: Cá tai tượng da beo, trạch lấu, sặc rằn… để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Hồng Cẩm