dd/mm/yyyy

Cây Thanh Nhãn ở miền Tây “ai thấy cũng mê”

Nhiều người dân ĐBSCL đang dần mở rộng diện tích trồng cây Thanh Nhãn. Đây là giống nhãn mới, có nhiều ưu điểm vượt trội, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các giống nhãn truyền thống.

Vườn Thanh Nhãn của ông Tính.

Giống mới cho năng suất cao

Ông Lâm Văn Tính, ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cho biết: Hiện nay gia đình đang trồng 2.000 gốc Thanh Nhãn trên 4,5 ha. “Sau nhiều tháng chăm sóc, cây Thanh Nhãn của gia đình tôi đã có thể cho trái. Giá bán Thanh Nhãn khá cao, thương lái thu mua từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các giống nhãn khác nên chúng tôi rất phấn khởi”, ông Tính nói.

Ông Tính thông tin thêm: Thanh Nhãn có ưu điểm vượt trội là trái to màu vàng nhạt, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, thịt chắc, giòn và ráo nước, ai nhìn thấy cũng mê. Cây thích hợp trồng trên đất phù sa, chịu rét giỏi và có sức đề kháng bệnh chổi rồng tốt, có tiềm năng xuất khẩu. Do cây còn nhỏ, trong đợt cho trái đầu tiên (tháng 8 vừa qua), vườn Thanh Nhãn của ông Tính chỉ thu hoạch được gần 10 tấn.

Dự kiến tháng 3 tới vườn Thanh Nhãn của ông Tính sẽ để bông và tháng 8 sẽ thu hoạch (Cây Thanh Nhãn chỉ cho trái 1 lần/năm). “Đợt cho trái sau năng suất sẽ cao, có thể đạt từ 45-50 tấn trái. Đợt này các thương lái ở địa phương sẽ thu mua hết, không có đủ để tính chuyện xuất khẩu”, ông Tính khoe.

Cây Thanh Nhãn có ưu điểm, ít dịch bệnh

Thời gian qua, mô hình trồng Thanh Nhãn của ông Tính được nhiều người dân địa phương học hỏi, mua nhánh về trồng, nhân rộng. Ông Lê Tấn Thủ - Bí thư Huyện ủy và ông Bùi Văn Kiệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cùng các ngành liên quan đã tổ chức các đoàn đến đến thăm mô hình kinh tế nổi bật này.

Theo ông Tính, Thanh Nhãn là một cá thể đột biến do một chủ vườn ở tỉnh Bạc Liêu tình cờ phát hiện. Chủ vườn này đã được Sở KHCN tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho Thanh Nhãn và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận. Ông Tính nghe thấy thông tin trên đã mạnh dạn mua nhánh về trồng trên đất vườn của gia đình.

Có tiềm năng xuất khẩu

“Cây Thanh Nhãn rất đáng để chọn sản xuất vì có ưu điểm, ít dịch bệnh, đặc biệt là giá bán quá hấp dẫn. Nếu trồng Thanh Nhãn thì nhà vườn có thể thu về lợi nhuận gấp đôi so với giống nhãn khác”, ông Tính chia sẻ.

Theo phóng viên tìm hiểu, không riêng người dân huyện Cờ Đỏ, nhiều nhà vườn ở các địa phương ĐBSCL cũng đang nhân rộng loại nhãn trên, đặc biệt là theo hướng bán cây giống và bán trái cho khách du lịch hoặc tổ chức cho khách tham quan vườn nhãn theo hướng du lịch cộng đồng.

Theo anh Tính, cây Thanh Nhãn có ưu điểm chịu rét tốt mà chưa có trái cây nhiệt đới nào có được

Điển hình như HTX Thuý Giang (13 thành viên; địa chỉ ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) có 3ha vườn trồng cây Thanh Nhãn. Ngoài việc bán cây giống cho người dân các địa phương lân cận, nơi đây còn tổ chức cho khách du lịch tham quan vườn nhãn, giới thiệu cây giống tiềm năng của vùng đất phù sa quê miền Tây.

Theo GS.TS.Nguyễn Bảo Vệ (Trường ĐH Cần Thơ), cây Thanh Nhãn có ưu điểm chịu rét tốt mà chưa có trái cây nhiệt đới nào có được. Trái nhãn này có thể bảo quản rất lâu ở môi trường đông lạn, rất thuận lợi để xuất khẩu sang các nước trên thế giới…

Cây Thanh Nhãn có các đặc tính thực vật và nông học gồm: Tán cây có hình vòm củ, thân thẳng, sần sùi, có màu trắng, xám lợt, phân cành nghiêng. Hoa nhãn có dạng hơi xoè không khác biệt nhiều so với những giống nhãn hiện đang trồng phổ biến ở ĐBSCL. Năng suất loại cây này có thể đạt trung bình 75kg/cây.
Huỳnh Xây