dd/mm/yyyy

Bước tiến quan trọng của thị trường tín chỉ carbon rừng

Theo PGS-TSTrần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) Việt Nam đang rất tích cực trong việc hình thành thị trường carbon, có lộ trình rõ ràng, đang bắt kịp với xu thế của thế giới và đối với carbon rừng cũng không nằm ngoài lộ trình đó.
Bước tiến quan trọng của thị trường tín chỉ carbon rừng- Ảnh 1.

PGS-TSTrần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).

Từ năm 2020, Việt Nam đã khởi đầu cho việc hình thành thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam với việc ký thỏa thuận chuyển nhượng trị giá hơn 50 triệu USD. Ông đánh giá như thế nào về con đường hình thành thị trường carbon tại Việt Nam sau 3 năm?

- Từ năm 2020, Bộ NNPTNT và Ngân hàng Thế giới đã ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) nhằm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e kết quả giảm phát thải ở 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 và nhận về số tiền là 51,5 triệu USD. Theo đó, khoảng 95% lượng giảm phát thải chuyển nhượng này được sử dụng cho đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Tiếp theo đó, ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là ERPA).

Bước tiến quan trọng của thị trường tín chỉ carbon rừng- Ảnh 2.

Người dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: P.V

Hiện nay, Cục Lâm nghiệp đã và đang tham mưu cho Bộ NNPTNT triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch, đề án trọng điểm của ngành lâm nghiệp, trong đó có kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; kế hoạch hành động thích ứng ngành lâm nghiệp đối với quy định của luật chống phá rừng của Liên minh Châu âu; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Lâm nghiệp; sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, các quy định có liên quan khác đảm bảo phù hợp với các quy định của quốc tế, điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Đến nay, thị trường carbon đã có những bước tiến quan trọng. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện đề án thành lập thị trường carbon trong nước. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tín chỉ carbon và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NDD-CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Chúng tôi hy vọng sau khi nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 156/2018/NĐ-CP được ban hành, cùng với kết quả thí điểm ban đầu về thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ sở quan trọng để triển khai thành công dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng trên cả nước và sẽ tạo tiền đề cơ bản giúp nhanh chóng kết nối, thích ứng khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành chính thức vào năm 2028. 

Như vậy, Việt Nam đang rất tích cực trong việc hình thành thị trường carbon, có lộ trình rõ ràng, đang bắt kịp với xu thế của thế giới và đối với carbon rừng cũng không nằm ngoài lộ trình đó.

Bước tiến quan trọng của thị trường tín chỉ carbon rừng- Ảnh 3.

Sơ chế, chế biến gỗ ván ép ở Thái Nguyên. Ảnh: B.Thắng

Theo đánh giá của các chuyên gia, với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hằng năm lên đến gần 70 triệu tấn, trong khi lượng phát thải hằng năm của ngành lâm nghiệp khoảng 30 triệu tấn, thị trường carbon là cơ hội lớn của Việt Nam. Việt Nam có thể làm gì để khai thác được lợi thế này, thưa ông?

- Như các bạn đã biết, với hơn 14 triệu ha rừng, trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp Việt Nam có tiềm năng tham gia thị trường carbon rừng để huy động nguồn lực tài chính bổ sung tái đầu tư trực tiếp cho bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, để tham gia thị trường carbon cần nhiều thời gian và nguồn lực hỗ trợ để xây dựng, đàm phán và triển khai các thỏa thuận trao đổi tín chỉ. 

Hiện nay, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đã sớm tiếp cận, đề xuất với Việt Nam để đàm phán thỏa thuận mua bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon của rừng. Điển hình là thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ đã nói ở trên, đến nay, WB đã thanh toán 41,2 triệu USD (tương đương 80% kết quả giảm phát thải đã ký kết).

Để tiếp tục huy động nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng đề xuất tham gia sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF). Đây là chương trình giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã được thể chế hóa đầu tiên tại Ý định thư được ký kết giữa đại diện của 2 bên là Bộ NNPTNT và tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) trong khuôn khổ của hội nghị COP26. 

Theo đó, dự kiến Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với đơn giá dự kiến là 10 USD. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng này cũng vẫn được Việt Nam sử dụng để đóng góp vào NDC. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang tích cực chuẩn bị các tài liệu và điều kiện để đàm phán và đi đến ký kết Thỏa thuận.

Cục Lâm nghiệp cũng đang phối hợp với Công ty Lâm nghiệp SK xây dựng đề xuất dự án giảm phát vùng trung du, miền núi phía Bắc. Chúng tôi cũng ghi nhận thông tin nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai.

Có thể thấy, nhu cầu trao đổi, chuyển nhượng, thương mại hóa tín chỉ carbon rừng ở trong nước đang có xu hướng phát triển mạnh. Đây là một xu thế tất yếu trong khi trên thế giới, thị trường này đã hình thành từ nhiều năm rồi. Cục Lâm nghiệp cũng đang nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tín chỉ carbon rừng của toàn quốc nhằm khuyến nghị việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Thực tế Việt Nam chưa có quy định về thị trường liên thông quốc tế, theo ông, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sàn giao dịch tín chỉ carbon?

- Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 (Điều 61, 63) thì dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 1 trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai loại hình dịch vụ này. Như đã trao đổi ở trên, thị trường carbon theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP sẽ được thiết lập và vận hành vào năm 2028, vì vậy sẽ có "khoảng trống" quy định từ nay đến hết năm 2027 để triển khai thực hiện hoạt động trao đổi, thương mại carbon của rừng. 

Điều đáng quan tâm hiện nay là, nhu cầu mua bán tín chỉ carbon là rất lớn nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy định về thị trường liên thông quốc tế, hơn nữa ngành lâm nghiệp cũng cần thực hiện nghĩa vụ Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) do vậy khó xác định lượng tín chỉ carbon và giá cả chuyển nhượng bao nhiêu là hợp lý, trong khi nguồn kinh phí để đo đếm, xác nhận số lượng tín chỉ carbon là rất lớn.

Vì vậy, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NĐ-CP nếu được Chính phủ ban hành là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai phát triển thị trường tín chỉ carbon của rừng ở Việt Nam, là cơ sở cho ngành lâm nghiệp, địa phương, chủ rừng, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng và các đối tác tiềm năng thực hiện triển khai trao đổi, thương mại carbon của rừng giai đoạn từ nay đến năm 2027 được thuận lợi hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Nguyên