dd/mm/yyyy

Bệnh viêm da nổi cục nguy cơ lan rộng tại Hà Giang: Kiểm soát chặt việc giết mổ, đốc thúc tiêm vaccine

Tính đến 23/7, tổng số trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) tại tỉnh Hà Giang gần 5.400 con, trong đó tiêu hủy 2.400 con. Trước tình hình dịch phức tạp và gây thiệt hại nặng, tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều biện pháp, đốc thúc tiêm vaccine, bảo vệ chặt đàn gia súc trước sự lây lan của dịch bệnh.

Cấp tập triển khai khoanh vùng, dập dịch

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc là huyện có số lượng trâu, bò mắc bệnh VDNC nhiều nhất tỉnh. Tính đến 23/7, tổng số gia súc mắc bệnh lên tới 3.634 con (trâu 20 con, bò 3.614 con) của 2.153 hộ ở 176 thôn thuộc 18 xã. Trong đó, số gia súc chết, xử lý tiêu hủy 134 con bò/18 xã, trọng lượng 30.588kg.

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, ngay sau khi xuất hiện bệnh VDNC trên địa bàn, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng và xử lý dịch ở cơ sở, không để lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, ngành chuyên môn cũng đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh VDNC trên đàn gia súc.

Bệnh viêm da nổi cục nguy cơ lan rộng tại Hà Giang: Kiểm soát chặt việc giết mổ, đốc thúc tiêm vaccine - Ảnh 1.

Cán bộ thú y tiêm vaccine viêm da nổi cục trên trâu, bò ở huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Biện Luân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Hoàng Gia Long yêu cầu không chỉ riêng huyện Mèo Vạc mà tất cả các huyện trong tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho đàn trâu bò càng sớm, càng tốt. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ gia súc, ngăn chặn không để tình trạng giết mổ, vận chuyển gia súc mắc bệnh ra khỏi địa bàn.

"Huyện đã ban hành văn bản cũng như đến tận các hộ chăn nuôi để tuyên truyền người dân chủ động đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, phân bổ hóa chất để phun khử trùng chuồng trại; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò ra khỏi vùng dịch; cấm giết mổ, buôn bán vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò trong thời gian có dịch" - ông Cường cho hay.

Ông Cường cũng cho biết thêm, đến nay, huyện Mèo Vạc đã tiêm vaccine phòng VDNC trên trâu, bò 23.295 con, ngoài ra các hộ chăn nuôi cũng chủ động mua vật tư, hóa chất để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phun thuốc diệt muỗi, ve... tránh lây lan mầm bệnh.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn tích cực mua thuốc bổ tăng sức đề kháng cho đàn trâu, bò bằng cách chia nhỏ các bữa ăn, bổ sung cỏ xanh, nước muối... Nhờ đó, 790 con đã khỏi triệu chứng lâm sàng, số còn lại đang được tập trung cách ly, điều trị nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Ông Trịnh Văn Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, đến ngày 23/7, tổng gia súc mắc bệnh VDNC toàn tỉnh là 5.363 con trâu, bò của 3.392 hộ ở 410 thôn thuộc 83 xã của 10 huyện. Trong đó tiêu hủy 2.401 con (trâu 1 con, bò 239 con), trọng lượng 50.859kg.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang cũng phối hợp các huyện triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, cung ứng 136.215 liều vaccine (Lumpyvac 135.725 liều, LumpyShield 490 liều) cho 11 huyện để tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch. Đồng thời cấp hàng nghìn lít hóa chất, vôi bột để phun tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch, diệt ve, mòng để tổng vệ sinh tại các hộ chăn nuôi gia súc...

Sau khi được cung ứng vaccine, các huyện đã nhanh chóng thực hiện tiêm phòng được 110.962 liều (Bắc Quang 3.032 con; Bắc Mê 13.205 con; Yên Minh 25.300 con; Mèo Vạc 23.295 con; Vị Xuyên 4.169 con; Đồng Văn 10.149 con bò; Hoàng Su Phì 16.179 con, Xín Mần 7.233 con, TP.Hà Giang 1.500 con, Quản Bạ 6.900 con, Quang Bình 550 con).

Đốc thúc tiêm vaccine

Ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, VDNC là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh trên trâu, bò. Các địa phương có dịch tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh VDNC; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia súc.

Cũng theo ông Hiếu, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, mùa phát triển các loại truyền bệnh (muỗi, ruồi, ve, mòng). Hơn nữa, một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. 

Việc chăn nuôi trâu bò của bà con các dân tộc thiểu số còn thiếu an toàn sinh học, chăn thả chung trên các bãi chăn và thả rông gia súc. Đặc biệt, điều kiện chăn nuôi của các hộ gia đình nhất là ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Hà Giang vẫn còn hạn chế, khó áp dụng các biện pháp để chủ động phòng bệnh.

Tại buổi làm việc mới đây với huyện Mèo Vạc về công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết, số lượng trâu, bò mắc bệnh VDNC trên địa bàn huyện có xu hướng tăng nhanh và tiến độ tiêm vaccine còn chậm.

Ông Long đề nghị huyện Mèo Vạc chỉ đạo quyết liệt trong công tác tuyên truyền, huy động toàn hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, bản vào cuộc tham gia vào phòng, chống dịch. Đồng thời quan tâm hỗ trợ kinh phí mua vaccine, quản lý gia súc mắc bệnh trên địa bàn. "Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. Rà soát việc cung ứng và tiêm vaccine ở các xã, thị trấn. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của huyện cho công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định" – ông Long nhấn mạnh.


Minh Ngọc