dd/mm/yyyy

Bão “nợ” ở thủ phủ chăn nuôi

Giá lợn (heo) lao dốc, người chăn nuôi điêu đứng. Nhiều nông dân đã bỏ chuồng hoặc chuyển sang vật nuôi khác. Thực trạng này đã đẩy ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ “vỡ trận” cần một giải pháp hữu hiệu trong quy hoạch, phát triển đàn lợn.

Dịp trước và sau tết, mỗi con lợn xuất bán, người nuôi lỗ trên 1 triệu đồng. (Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi tại xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) Ảnh TL

Chủ trại thành con nợ

Từ trước Tết đến nay, giá lợn thịt rớt giá thê thảm và chững lại ở mức giá thấp kéo dài. Hiện giá lợn thịt loại đẹp, nạc nhiều, trọng lượng 60-70 kg/con, giá giao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi ôm nợ.

Tại huyện Hoài Ân (Bình Định) “thủ phủ” lợn lớn bậc nhất miền Trung, chưa khi nào người nuôi lợn lại gặp khó khăn như lúc này. Từ trước Tết Nguyên đán khi lợn giảm giá, nhiều hộ nuôi bán đổ bán tháo, vớt vát để trả tiền thức ăn của các chủ đại lý cám, phần để lo tiền sắm Tết. Nhưng nhiều hộ thì nuôi cầm chừng chờ giá tăng trở lại.

Thế nhưng từ đó đến nay, giá heo vẫn cầm chừng ở mức 28.000 - 32.000 đồng/kg loại đẹp, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg heo loại mỡ nhiều. Trong khi đó, số lợn nuôi cầm chừng đạt 1 tạ/con thì bị thương lái ép giá thấp chỉ 25.000 đồng/kg.

Giá lợn giảm khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ. (Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) Ảnh TL

Gia đình chị Lê Thị Ngọc Tuyến (48 tuổi, trú thôn Phú Ninh) là một trong những hộ chăn nuôi lớn ở xã Ân Nghĩa, với 300 trăm con lợn thịt, nái các loại. Tuy nhiên, giá lợn rớt thê thảm khiến gia đình chị đang phải ôm nợ đại lý cám khoảng 2 tỉ đồng. Chị Tuyết cho biết: “Giá bán 34.000 - 35.000 đồng/kg thì người nuôi hòa vốn, còn giá lợn từ 36.000-37.000 đồng/kg mới có lãi".

"Năm ngoái, có thời điểm giá lên tới 40.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ 28.000 - 30.000 đồng/kg lợn loại 1 thì người nuôi lỗ nặng. Chưa nói cuối năm ngoái lũ lụt lợn chết, sau lũ lại bệnh chết hàng loạt. Từ cuối năm 2016 đến nay, đàn lợn của gia đình tôi chết trên 200 con, thiệt hại trên 200 triệu đồng”, chị này nói.

Hay như trại lợn của anh Trần Văn Vân (43 tuổi, thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) được xem là trại lợn lớn nhất xã với 370 con lợn thịt, 30 con nái. Tuy nhiên, giá lợn rớt thê thảm khiến gia đình anh Vân đang phải ôm nợ chủ đại lý cám trên 300 triệu đồng. “Từ 26 Tết đến nay, giá lợn chỉ 26.000 - 33.000 đồng/kg, một con lợn bán chưa nổi 2 triệu đồng, tính ra mỗi con lỗ hơn 1 triệu đồng, đó là chưa kể dịch bệnh heo bị chết. Từ tháng 7/2016, riêng trại của gia đình tôi chết khoảng 220 con, lỗ trên 400 triệu đồng. Hiện tôi còn nợ tiền cám của đại lý hơn 300 triệu đồng", anh Vân nói.

Bán lỗ cũng phải xếp hàng

Tại huyện Thống Nhất, “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất nước tình hình cũng khá bi đát. Nhiều hộ dù chấp nhận bán lỗ nhưng thương lái cũng không ngó ngàng hỏi mua, người nuôi phải xếp hàng đợi đến lượt để được thương lái mua.

Vừa mới xuất lứa lợn tết được 1 tuần nhưng ông Bùi Văn Giáng (ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) lại cảm thấy buồn rầu. “Mỗi con lợn bán ra tôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng”, ông cho biết. Theo ông Giáng, với 30 con lợn, mỗi con khoảng 110kg vừa được bán với giá 27.000 đồng/kg, ông chịu khoản lỗ hơn 40 triệu đồng. Thế nhưng, theo như người đàn ông này, bán được lợn vào thời điểm này cũng là mừng lắm rồi.

Cần rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Ảnh TL

“Giờ heo đến tuổi xuất bán mà không ai mua thì càng nuôi càng lỗ. Trong khi gần 1 tháng nay các thương lái chỉ đến trả giá rồi bỏ đi mà không mua. Để bán được 30 con lợn vừa rồi, tôi cũng đã phải gọi đến 6,7 lái mới bán được”, ông Giáng cho biết.

“Chỉ cách đây ít tháng, các thương lái còn phải đi lùng sục để mua, chỉ cần nhà nào có lợn bán là tranh nhau mua. Thế nhưng hiện nay các thương lái ung dung đi xem rồi hẹn ngày mới bắt, muốn bán được nhanh thì phải hạ giá bán. Đối với những hộ không chấp nhận giá mua của thương lái thì chỉ còn cách “ôm” chờ giá!”, bà Bùi Thị Nhị (ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) nói.

Tại trại heo của gia đình bà Nhị hiện có 100 con lợn đến tuổi xuất bán, dù đàn lợn thuộc diện heo đẹp (khoảng 1,1 tạ/con) nhưng thương lái chỉ trả giá 31.000 đồng/kg. Theo bà Nhị, giá bán này quá thấp và nếu bán sẽ thiệt hại nặng nên bà đang tiếp tục nuôi để chờ giá lên. “Nếu bán với giá như thương lái trả hiện nay thì không đủ tiền cám cho lợn ăn, nhưng nếu cứ tiếp tục nuôi mà lỡ giá không tăng thì cũng sẽ ôm lỗ lớn hơn”, bà Nhị lo lắng cho biết.

Trước nguy cơ “vỡ trận”

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Với giá lợn như hiện nay thì nuôi kiểu gì người nuôi vẫn cứ lỗ. Đối với các hộ tự sản xuất con giống, tự phối trộn thức ăn, nuôi đúng kỹ thuật, lợn không bị hao hụt, không dịch bệnh thì giá sàn cũng phải đạt từ 35.000 đến 36.000 đồng/kg mới hòa vốn. Đối với người nuôi phải đi mua giống, mua cám chịu thì chi phí sẽ còn cao hơn”.

Trong khi đó, giá lợn hơi rớt thảm nhưng chi phí lợn giống và thức ăn vẫn cao. Vì vậy, sau khi xuất bán lứa lợn giáp Tết, đa số các chủ trang trại chăn nuôi đều thua lỗ, không đủ vốn để tái đàn.

Theo Bộ NN&PTNT, thịt lợn hiện nay về cơ bản là tiêu thụ nội địa, thay thế hàng nhập khẩu và từng bước mở rộng xuất khẩu sang các nước, chứ không phụ thuộc một quốc gia nào. Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh cần thông tin kịp thời, đầy đủ về giá lợn hơi và giá thịt lợn của thị trường để người chăn nuôi không bị thương lái ép giá.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 11205/BNN-CN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay giá lợn hơi đang xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và thức ăn chăn nuôi hoàn toàn từ bên ngoài.

Theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển chăn nuôi lợn ''quá nóng'' trong thời gian gần đây đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, đồng thời sẽ gây nên hệ lụy không nhỏ đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Nhằm giảm thiểu áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ NN&PTNT đề nghị các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Cần khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.

Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi. Chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Trọng Nhân