dd/mm/yyyy

Bàn cách “xóa sổ” canh tác hóa học, thay thế hữu cơ

Mới đây, tại TP. Tam Kỳ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Thực phẩm sạch lên ngôi

Ông Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa học sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ đang là xu hướng tất yếu trên thế giới. Năm 2015, diện tích canh tác hữu cơ trên toàn thế giới đạt khoảng 50,9 triệu ha, giá trị 81,6 tỉ USD, tăng gấp 4 lần diện tích và 5 lần về giá trị so với năm 2005.

Ông Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. TH
Ông Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. TH

Việt Nam cũng nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Từ năm 2007 đến 2015 , diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120 ha lên 76.666 ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Hiện, cả nước có 33 tỉnh, thành sở hữu các mô hình trồng trọt và chăn nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ được coi là một giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong bối cảnh càng ngày chúng ta càng thấy nguy cơ hiện hữu của “canh tác hóa học”, khai thác đến suy kiệt đất đai, nguồn nước. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT khuyến khích hướng tới ngành nông nghiệp hữu cơ, tăng sử dụng phân hữu cơ, giảm dùng phân hóa học và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học.

Trong thực tế sản xuất, ngày càng có nhiều trang trại, gia trại và tổ hợp tác đi theo hướng này và đạt được kết quả ban đầu. Một số trang trại rau hữu cơ đã xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao. Phong trào sản xuất hữu cơ đang được khuyến khích ở các vùng trong cả nước.

“Qua diễn đàn này, tôi tin tưởng các nhà sản xuất, doanh nghiệp và các đối tác liên quan cũng như các nông dân hãy thảo luận cởi mở, chia sẻ những thông tin, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn để đạt được mục tiêu, một nền nông nghiệp xanh, sạch” - ông Khởi nhấn mạnh.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Hằng năm, Ngành nông nghiệp của tỉnh đã cung cấp cho thị trường hơn 100.000 tấn sản phẩm thủy sản, gần 240.000 tấn rau, củ, quả và hơn 60.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (trong đó cung cấp cho TP.Đà Nẵng 6.000 tấn rau củ quả, 5.000 tấn thịt lợn, 400 tấn thịt gia cầm và 4.000 tấn thịt bò, bê), chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng được cải thiện và có kiểm soát, góp phần rất lớn cải thiện thu nhập của người dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp sạch, hằng năm các cấp ngành của Trung ương và tỉnh đã tổ chức triển khai, phát động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nên tạo được sự lan tỏa và đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt có sự hưởng ứng nhiệt tình của người sản xuất và người tiêu dùng.

“Trong năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 4294 phê duyệt phương án thực hiện thí điểm chuỗi cung ứng thực phẩm gồm: thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, nước mắm, tôm; với tổng giá trị hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng và đã tổ chức thực hiện thành công bước đầu, có sản phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã ký biên bản làm việc về hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đến nay, một số HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh tại Đà Nẵng, đồng thời mở các điểm bán hàng quảng bá sản phẩm tại Đà Nẵng” - ông Muộn nói.

Cần có bộ tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là nông dân trên địa bàn khu vực miền Trung thắc mắc và muốn có giải pháp cụ thể về bộ tiêu chí nông nghiệp hữu cơ để được đảm bảo tốt hơn cho sản phẩm.

Các đại biểu tìm hiểu các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Nam.
Các đại biểu tìm hiểu các mặt hàng nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ NN&PTNT đã ban hành bộ tiêu chí chuẩn nông nghiệp hữu cơ nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hiện vẫn chưa có bất cứ tổ chức nào được ngành nông nghiệp cho phép là đơn vị cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Mặt khác, các đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ lâu nay hầu như chưa có, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và của cả cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế…

Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa biết về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa có khái niệm về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Do đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đây chính là một trong những điểm yếu khiến sản phẩm hữu cơ khó tiêu thụ trong những năm qua.

Kết thúc diễn đàn, ông Trần Văn Khởi đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, ngoài các ý kiến đã trả lời tại diễn đàn, các ý kiến vượt tầm trả lời, bộ phận tổ chức sẽ tổng hợp sau đó sẽ kiến nghị lên cấp trên giúp nông dân.

“Trước áp lực về sản lượng, giải quyết bài toán kinh tế, thu nhập cho người sản xuất đã làm cho quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do đó, để nông nghiệp hữu cơ có cơ hội phát triển hơn nữa, cần có hệ thống quản lý đồng bộ cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường” - ông Khởi nhấn mạnh.

Trương Hồng