dd/mm/yyyy

Ấn tượng với hàng chục sản phẩm OCOP của Đông Anh

Tại hội nghị đánh giá, phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 tại Đông Anh (Hà Nội) diễn ra mới đây, đã có 46 sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của huyện đã được trưng bày, đánh giá và đề nghị nâng cấp. Đặc biệt, sản phẩm đậu phụ nướng của làng Võng La khiến các thành viên Hội đồng rất ấn tượng.

Đi đầu trong chương trình OCOP

Là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện nhưng Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức. Đến nay, Chương trình OCOP của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, UBND huyện đã tiến hành xây dựng Đề án "Thực hiện chương trình mỗi xã một sản trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025". Đề án đã xác định, lựa chọn được 150 sản phẩm đưa vào kế hoạch đánh giá, phân hạng hàng năm, đồng thời lựa chọn được 56 sản phẩm là sản phẩm chủ lực.

Ấn tượng với sản phẩm OCOP của Đông Anh - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của huyện Đông Anh góp mặt tại hội nghị đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP lần 1/2020. Ảnh: Hải Đăng

Ấn tượng với sản phẩm OCOP của Đông Anh - Ảnh 2.

"Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình, đề án OCOP huyện Đông Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút nhiều chủ thể tham gia và quảng bá đến người tiêu dùng".

Ông Nguyễn Văn Thiềng

Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho hay: Năm 2019, huyện được UBND thành phố công nhận 20/20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 18 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.

Sang năm 2020, để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã đưa vào kế hoạch đánh giá, phân hạng 80 sản phẩm và nâng hạng sao cho 6 sản phẩm nhóm ngành thực phẩm.

Ông Thiềng cho biết, trong đợt 1/2020, các đơn vị liên quan của huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn, các xã, thị trấn tổ chức thu thập hoàn thiện hồ sơ và thực hiện theo chu trình đánh giá, phân cho 40 sản phẩm, đề nghị nâng cấp cho 6 sản phẩm OCOP. Qua đó giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh hiểu rõ hơn về chương trình và định hướng phát triển sản phẩm, hoàn thiện nâng cấp sản phẩm...

"Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, Đông Anh đã và đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ điện tử trong việc tiêu thụ, quản lý các sản phẩm. Cụ thể, sử dụng mã hình QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn, gắn tem truy xuất cho trên 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến" - ông Thiềng chia sẻ.

Tạo nhiều động lực

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, việc tổ chức phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP sẽ tạo động lực và là cơ sở để các chủ thể tham gia được khảo sát, đánh giá thực chất sản phẩm đã đạt được đầy đủ tiêu chí hay chưa. Đồng thời là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trước cơ quan chức năng, truyền thông và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ấn tượng với sản phẩm OCOP của Đông Anh - Ảnh 4.

Sản phẩm đậu phụ nướng của làng Võng La khiến các thành viên Hội đồng rất ấn tượng.

"Qua hơn một năm triển khai, Chương trình OCOP của Hà Nội đã tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình. Sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã được người tiêu dùng đón nhận. Đồng thời khẳng định được hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của các huyện trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm…" - ông Chí khẳng định.

Qua kết quả khảo sát 270 sản phẩm của 82 chủ thể của Đông Anh, đã có 20 sản phẩm được thành phố công nhận từ 3 sao trở lên, 86 sản phẩm đang được đánh giá, phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP.

"Đông Anh là huyện đi đầu trong Chương trình OCOP, là đơn vị thực hiện đánh giá đầu tiên và làm cơ sở, rút kinh nghiệp để thực hiện đánh giá các quận huyện còn lại. Trong năm 2020, Đông Anh cũng là huyện đầu tiên xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP 2020-2025. Bên cạnh đó, Đông Anh luôn là địa phương đi đầu trong xúc tiến thương mại với sản phẩm nông sản nói chung" - ông Chí nhận xét.

Dù vậy, các sản phẩm của huyện vẫn còn nhiều hạn chế do hầu hết sản phẩm sản xuất ở quy mô trung bình, chưa có bao bì đạt tiêu chuẩn; một số sản phẩm chưa có câu chuyện riêng, thể hiện trí tuệ, bản sắc địa phương và được tư liệu hóa, trình bày trên nhãn, tờ rơi...

Nói về định hướng trong giai đoạn tới, ông Thiềng cho hay huyện sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn và các xã, thị trấn triển khai Chương trình, đề án OCOP tới các chủ thể. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có khoảng 150 sản phẩm được lựa chọn đánh giá, phân hạng.  

Hải Đăng