dd/mm/yyyy

9X người Thái thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, anh Quàng Đức Hạnh, sinh 1991, dân tộc Thái ở bản Văng Lùng (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), đã “phất” lên thành hộ khá giả. Không những vậy, trong năm 2018 này, anh Hạnh còn là một trong những hộ nông dân có lô xoài tượng da xanh đầu tiên của tỉnh Sơn La “lên đường” sang thị trường Úc.

Được sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc, chúng tôi tìm đến bản Văng Lùng – một trong những bản thực hiện hiệu quả chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La. Được tiếp xúc với anh Quàng Đức Hạnh – một trong những gương nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chúng tôi hiểu rằng, để thoát nghèo bà con ở Văn Lùng đã biết chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như cây ngô, cây mía sang trồng cây ăn quả như: Xoài, nhãn, bưởi.

 Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật ghép giống xoài tượng da xanh vào giống xoài địa phương, cuộc sống gia đình của anh Quàng Đức Hạnh đã khá giả lên trông thấy.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hạnh cho biết: Trước đây, mình còn bé toàn bộ mảnh đất rộng 1,2 ha này được gia đình trồng cây ngô, cây mía và cây xoài địa phương, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Nhất là trồng cây ngô, thấy bố, mẹ bận “tối mắt tối mũi” nào là phân bón, giống, thuốc diệt cỏ, qua từng năm sức khỏe của 2 ông bà ngày càng giảm súc mà đồng tiền thu được không bó công người chăm sóc.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, sau khi học xong cấp 3, Hạnh cũng mơ ước được đi học ở các trường Đại học, Cao đẳng như các bạn cùng trang lứa với hy vọng trong tương lai, cái chữ sẽ giúp Hạnh có công việc ổn định giúp gia đình, bản làng xóa đói, làm giàu. Nhưng chàng thanh niên trẻ, khỏe này lại chọn cách nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ làm nông.

“Mặc dù rất muốn đi học nhưng chị gái mình đi lấy chồng sớm, bố mẹ tuổi đã cao, gia đình hoàn cảnh lại hoàn cảnh, học xong chưa chắc đã xin được việc làm. Mà đất đai của nhà thì rộng, thừa điều kiện để làm giàu nhưng vẫn thiếu người “đánh thức” nó nên mình quyết định ở nhà gắn bó với nghề nông” – anh Hạnh tâm sự.

Với bản tính năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát vốn có của tuổi trẻ, Hạnh đi khắp các huyện lân cận để học hỏi các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả. Sau gần năm trời học hỏi, tích lũy được kiến thức trong tay, Hạnh chuyển đổi toàn bộ 1,2 ha nương ngô, nương mía sang trồng cây xoài tượng danh, cây nhãn, cây bưởi. Đối với những cây xoài địa phương được bố mẹ trồng trước đây cho hiệu quả kinh tế thấp, Hạnh không chặt bỏ đi mà thuê cán bộ kỹ thuật cùng mình ghép sang cây xoài tượng da xanh. Diện tích còn lại được Hạnh chuyển đổi sang trồng cây nhãn, bưởi diễn và bưởi da xanh.

Để được chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm, tháng 5. 2017, anh Hạnh đã tham gia hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc. Hiện, số diện tích xoài tượng của các thành viên trong HTX đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Úc.

Ngoài trồng xoài, anh Hạnh còn chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, anh Hạnh có 400 gốc xoài tượng da xanh, trong đó 100 gốc đã cho thu hoạch. Năm nay, vườn xoài anh Hạnh xuất bán được 5 tấn quả tươi, với giá bình quân 13 nghìn đồng/kg, anh Hạnh cho thu trên 60 triệu đồng.

“Nhờ tham gia HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, cũng trong năm 2018 này, nhà mình xuất khẩu sang thị trường Úc được 4 tạ quả. Với giá xuất khẩu 25 nghìn đồng/kg, 4 tạ quả xoài tượng, mình đã bỏ túi 10 triệu đồng rồi. Nếu so với trồng ngô, với giá 3.800 đồng/kg như hiện nay thì phải bán được 2,6 tấn ngô mới thu được 10 triệu” – anh Hạnh phấn khởi.

Ngoài nguồn thu từ xoài tượng, năm nay anh Hạnh còn xuất bán được 3 tấn nhãn thu về 20 triệu. Hiện vườn bưởi diễn và bưởi da xanh đang trong thời gian bói quả.

Theo anh Hạnh, so với các loại cây ăn quả khác, xoài là cây dễ tính nhất. Xoài không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc nhiều như cây có múi. Bệnh hại chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn ra hoa đậu quả như: Bệnh thán thư, phấn trắng, chỉ cần phun thuốc sinh học đúng thời điểm là khống chế được. Sau khi thu hoạch xong, cần cắt tỉa tạo tán, bón phân đầy đủ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây ra hoa, đậu quả.

“Tiêu chuẩn sản phẩm xoài đảm bảo xuất khẩu sang thị trường Úc phải đạt trọng lượng từ 5 lạng đến 8,5 lạng, màu xanh, không tì vết, mẫu mã đồng đều, quả chưa đóng hạt, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cán bộ nông nghiệp ở tỉnh, huyện cũng xuống hướng dẫn các thành viên trong HTX khâu canh tác, quy trình chăm sóc kỹ thuật để quả xoài đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu ra nước ngoài” – anh Hạnh cho biết thêm.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cây xoài tượng mà 2 năm trở lại đây, từ hộ thiếu ăn, thiếu mặc, cuộc sống gia đình của anh Hạnh đã phất lên trở thành hộ khá giả.

 

Tuệ Linh