dd/mm/yyyy

Về thủ phủ hoa đồng tiền của Hà Nội

Với trên 20ha chuyển đổi sang trồng hoa đồng tiền, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội là một trong những vùng chuyên canh hoa đồng tiền lớn nhất Thủ đô. Đáng mừng là hoa đồng tiền Đồng Tháp đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Khẳng định hướng đi hiệu quả

Ngày cuối tuần, anh Bùi Văn Khá – Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp vẫn tất bật đi kiểm tra từng luống hoa đồng tiền xem tình hình sâu bệnh cũng như lên kế hoạch xới đất. Trong khu nhà màng rộng hàng chục hécta, những luống hoa đồng tiền đủ màu như vàng, hồng, đỏ, cam, trắng… đua nhau khoe sắc. “Bây giờ không phải chính vụ và thời tiết không thuận lợi do nắng nóng, song chất lượng hoa đồng tiền của Hợp tác xã vẫn khá đẹp và được nhiều thương lái chuộng mua” – anh Khá chia sẻ.

Về thủ phủ hoa đồng tiền của Hà Nội - Ảnh 1.

Trồng hoa đồng tiền tại Hợp tác xã hoa Đồng Tháp.

Lấy vợ quê đất hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), anh Bùi Văn Khá bén duyên với nghề trồng hoa từ năm 2000. Ban đầu anh trồng nhiều loại khác nhau như hồng, cúc, đồng tiền… nhưng sau đó nhận thấy cây hoa đồng tiền đặc biệt phù hợp với đồng đất xã Đồng Tháp cũng như cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2003, anh Khá chuyển sang chuyên canh giống hoa này.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ việc trồng hoa ngoài trời chịu ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão, cây dễ bị chết, thối, năm 2010, anh Khá đầu tư hệ thống nhà màng vững chãi phủ nilong để trồng hoa đồng tiền. Giảm bớt tác động của thời tiết, hoa đồng tiền cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Từ đó anh dần dần mở rộng mô hình và nhiều hộ dân khác cũng học tập, chuyển sang trồng hoa đồng tiền.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Cường cho biết, toàn xã hiện còn khoảng 60ha đất trồng lúa, trong đó chuyển đổi sang trồng hoa khoảng 25 – 27ha, chủ yếu là hoa đồng tiền. So với cấy lúa truyền thống, trồng hoa đồng tiền mang lại thu nhập cao hơn.

Về thủ phủ hoa đồng tiền của Hà Nội - Ảnh 2.

Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá thu hoạch hoa đồng tiền.

Theo tính toán, trồng hoa đồng tiền chỉ sau 3 – 3,5 tháng là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch lại kéo dài quanh năm, trong đó thuận lợi nhất, chất lượng hoa đẹp nhất và giá cao vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, giá trị thu nhập đạt khoảng trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hợp tác xã hoa Đồng Tháp đã được thành lập, tập hợp 8 thành viên với tổng diện tích trồng hoa hơn 10ha, hỗ trợ nhau cùng sản xuất, tiêu thụ. Hiện sản đồng tiền của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Toàn bộ sản phẩm của Hợp tác xã đều được thương lái bao tiêu, thu mua, các hộ dân không phải lo về đầu ra” - Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá phấn khởi cho biết.

Khẳng định thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Cùng với hoa đồng tiền, hiện nay xã Đồng Tháp còn nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng hoa đào, sinh vật cảnh, trồng hoa lan, bưởi… Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy cho biết, xã Đồng Tháp có 4 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp, Hợp tác xã Thủy sản, Hợp tác xã hoa Đồng Tháp và Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tháp. Các hợp tác thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho Nhân dân.

Về thủ phủ hoa đồng tiền của Hà Nội - Ảnh 3.

Hoa đồng tiền Đồng Tháp đã được UBND TP cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo ông Bùi Lê Huy, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của địa phương đã có nhiều chuyển biến đột phá. Các mô hình cơ giới hóa đồng bộ, phát triển vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Chú trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND xã đã giao Hợp tác xã Nông nghiệp tuyên truyền Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa và các loại cây ăn quả, cây hàng năm có giá trị kinh tế cao.

 Đến nay, ngoài diện tích trồng hoa đồng tiền, xã còn có trên 5ha bưởi đào chín sớm và trên 3ha trồng hoa đào và các loại cây hoa có giá trị kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt 76,3 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo.

Xã Đồng Tháp đặt mục tiêu tiếp tục giữ chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao với hoa đồng tiền, đồng thời tiếp tục nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá để mở rộng mô hình trồng hoa đồng tiền hiện nay cũng gặp khó khăn không nhỏ. Trong đó dù hoa luôn được thương lái bao tiêu đầu ra, song giá cả phụ thuộc vào thị trường, không ổn định và chưa tiếp cận được các đầu mối lớn cũng như chưa tương xứng với tiềm năng sản phẩm OCOP 3 sao.

Về thủ phủ hoa đồng tiền của Hà Nội - Ảnh 4.

Trồng hoa đồng tiền là hướng đi hiệu quả ở xã Đồng Tháp.

“Bên cạnh đó, Hợp tác xã thành lập, thành viên chủ yếu là các hộ nông dân, trình độ quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, khâu marketing, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội cũng còn yếu. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu để ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm” – anh Bùi Văn Khá nói.

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Cường, một khó khăn nữa là khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phải nằm trong vùng quy hoạch thì mới được hỗ trợ. Do đó, đề nghị UBND xã, huyện quan tâm đầu tư bổ sung quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ các hộ dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Cùng với đó đề nghị TP hỗ trợ tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học và công tác quản lý cho các hợp tác xã” – ông Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị.

Đầu tháng 7 vừa qua, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Trường THCS Đồng Tháp, Trường Tiểu học Đồng Tháp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam đề nghị xã Đồng Tháp tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp.

Theo KTĐT