dd/mm/yyyy

Những nông sản nổi bật 'gây thương nhớ' của tỉnh Bắc Kạn, nhiều người chưa biết loại sản phẩm này

Bắc Kạn có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, có chỉ dẫn địa lý...

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên là 485.996 ha, trong đó 459.756 ha là đất nông nghiệp, 20.089 ha là đất phi nông nghiệp và 6.151 ha là đất chưa sử dụng. Do đó, tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, có chỉ dẫn địa lý, hiện nay đang phát triển sản xuất tập trung với quy mô tương đối lớn, sản phẩm đạt chất lượng, từng bước thâm nhập thị trường phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến. Một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Miến dong Bắc Kạn

Những nông sản nổi bật 'gây thương nhớ' của tỉnh Bắc Kạn, nhiều người chưa biết loại sản phẩm này - Ảnh 1.

Miến dong là sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (năm 2021), là sản phẩm được chế biến từ 100% củ dong riềng nguyên liệu tại địa phương, sản phẩm có màu sắc: trắng xám sáng, hơi đục, hơi ánh vàng với hàm lượng Vitamin B1: 6,17-9,04 (µg/100g tinh bột), miến dong có độ ngon, dai, dẻo, khi nấu không bị nát, ăn có vị đậm và có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 sản phẩm miến dong được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (trong đó có sản phẩm Miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia (5 sao) và 08 sản phẩm 3 sao) và có 02 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2022 (Miến dong Tài Hoan và Miến dong Nhất Thiện). Sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 22000:2018, từ năm 2020 sản phẩm Miến dong Tài Hoan đã được xuất khẩu sang thị trường EU (Cộng hòa Séc), điều này đã mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở chế biến miến dong với sản lượng miến dong năm 2023 ước đạt trên 1.500 tấn.

Curcumin và sản phẩm chế biến từ củ nghệ Bắc Kạn

Nghệ là giống cây dễ trồng, được trồng phổ biến ở Bắc Kạn trong nhiều năm qua nhưng diện tích nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu. Tinh bột nghệ với khả năng kháng viêm, điều trị các vết thương hở, điều trị bệnh dạ dày, ngoài ra với khả năng đặc biệt là thanh lọc máu giúp cơ thể đào thải các độc tố, do vậy những năm gần đây, với việc thành công trong chiết xuất nano cucurmin và chế biến tinh bột từ củ nghệ thì cây nghệ đã trở thành một cây trồng có tiềm năng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập lớn cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ củ nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín, năm 2019, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chứng nhận sản phẩm Tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh trồng gần 136,7ha nghệ, năng suất 241,1 tạ/ha với sản lượng 3.295,8 tấn. Đã được chứng nhận hữu cơ vùng trồng với diện tích 10,65ha với sản lượng 372,75 tấn củ. Số cơ sở chế biến Curcumin và sản phẩm chế biến từ nghệ Bắc Kạn với số cơ sở là 05 cơ sở, sản lượng ước đạt là 25 tấn, còn lại chủ yếu bán ở dạng thô hoặc sơ chế.

Sản phẩm Chè

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Cây chè với ưu thế trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cao nên cây chè đang được coi là cây trồng thế mạnh của một số huyện như: Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.728 ha, trong đó: Diện tích đã cho thu hoạch 1.574 ha, sản lượng đạt 7.058 tấn chè búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 492,5ha với sản lượng 1.000 tấn búp tươi; năm 2021 diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 50,9 ha, chứng nhận hữu cơ là 12,7 ha, diện tích được chứng nhận ATTP là 64 ha.

Những nông sản nổi bật 'gây thương nhớ' của tỉnh Bắc Kạn, nhiều người chưa biết loại sản phẩm này - Ảnh 2.

Chè được chế biến truyền thống bán cơ giới là chủ yếu, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa thấp; sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ nội địa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH chè Peloyen đầu tư từ trồng đến chế biến, sản phẩm chế biến là chè Ôlong xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm chè còn được chế biến thông qua một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè tại các huyện: Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn; các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, sản xuất ra những sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) và duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 22000:2018, tiêu chuẩn OCOP 4 sao mang lại giá trị cao, sản lượng chế biến chè ước đạt 1.000 tấn chè thành phẩm/năm. Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn tỉnh được chế biến quy mô hộ nhỏ lẻ, sản phẩm chè búp khô tiêu thụ trong và ngoài tỉnhchưa có tính cạnh tranh cao.

Một số loại gạo đặc trưng

Gạo Bao thai Chợ Đồn: cây lúa Bao thai đã có lịch sử trồng hàng trăm năm tại tỉnh Bắc Kạn, giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn vào vụ mùa hàng năm, cây lúa cho năng suất ổn định. Năm 2011, “Gạo Bao thai Chợ Đồn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận Nhãn hiệu tập thể. Đặc trưng của gạo Bao thai Chợ Đồn giàu dinh dưỡng, hạt gạo trắng, khi nấu thành cơm có vị ngọt, vị đậm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Hiện nay, diện tích trồng lúa Bao thai toàn tỉnh 6.805 ha, sản lượng đạt trên 30.500 tấn; trong đó tại huyện Chợ Đồn diện tích đạt 1.720 ha, sản lượng trên 9.000tấn.

Những nông sản nổi bật 'gây thương nhớ' của tỉnh Bắc Kạn, nhiều người chưa biết loại sản phẩm này - Ảnh 3.

Gạo Japonica: các giống lúa thuộc dòng Japonica gồm VAAS16 và J02 được tỉnh Bắc Kạn đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018, đến nay diện tích trồng đạt 462 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Pác Nặm; năng suất khoảng 55 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 2.541 tấn. Gạo Japonica có dạng hạt tròn đầu, màu trắng tự nhiên, khi nấu thành cơm có hương thơm dịu và vị ngọt tinh tế. Đặc biệt cơm dẻo, mềm và thơm ngon ngay cả khi để nguội.

Gạo nếp thơm (Khẩu nua lếch Ngân Sơn): năm 2015 Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn. Với chất lượng gạo ngon, mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng, hiện nay, diện tích trồng lúa Khẩu nua Lếch Ngân Sơn khoảng trên 100 ha, năng suất đạt khoảng 41 tạ/ha, sản lượng ước đạt 410 tấn/năm.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường kết nối tiêu thụ cũng như quảng bá thương hiệu các sản phẩm bao gồm: tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành phố khác tham gia vào các kênh phân phối của địa phương; Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nói không với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; đồng thời làm tốt công tác dự báo giá cả thị trường, công tác quản lý thị trường.

Linh Lê