dd/mm/yyyy

Một HTX nông sản sạch ở Sơn La thành công nhờ mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi

Ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhờ biết khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, HTX nông nghiệp Dũng Tiến, một trong những đơn vị tiên phong trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh... đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX kiểu mới đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh kém...

Để thúc đẩy các HTX phát triển, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới với các sản phẩm ứng dụng công nghệ đã được hình thành trên địa bàn huyện, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong phương thức sản xuất nông nghiệp.

Một HTX nông sản sạch ở Sơn La thành công nhờ mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi - Ảnh 1.

HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, xã Phiêng Luông (Mộc Châu, Sơn La) ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

HTX nông nghiệp Dũng Tiến, ở bản 83, xã Phiêng Luông (Mộc Châu) được thành lập từ năm 2016, với 8 thành viên tham gia, quy mô sản xuất trên diện tích 2 ha.

Thời điểm mới thành lập, HTX chỉ sản xuất rau chính vụ, sản phẩm làm ra chưa có hợp đồng sản xuất tiêu thụ, chưa đưa vào được các nhà máy chế biến, các siêu thị nên giá trị canh tác chỉ đạt 160 triệu/ha/năm/3 vụ sản xuất.

Từ năm 2019, HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nhờ đó góp phần nâng cao thu nhập cho HTX và các thành viên.

Hướng tới sự tin dùng của khách hàng, HTX đã không ngừng học hỏi kiến thức, tham gia các lớp tập huấn của Hội nông dân huyện, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, luôn tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP,  khuyến khích các thành viên dùng các loại phân chuồng, phân bón vi sinh, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học...

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng cho biết: "Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phát triển rau an toàn trái vụ theo chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ổn định và bền vững. HTX hiện có 18 thành viên đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích 12ha diện tích trồng rau, 6ha trồng cây ăn quả và cung cấp cây giống cho người dân. Tất cả những diện tích này đều được áp dụng công nghệ tưới tự động, điều khiển qua thiết bị điện thoại thông minh".

Hiện nay, HTX cũng đồng thời thử nghiệm trồng một số sản phẩm nông nghiệp cao cấp trong nhà lưới như dâu tây, cà chua,.. nhằm nâng cao giá trị canh tác.

Một HTX nông sản sạch ở Sơn La thành công nhờ mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi - Ảnh 2.

Ngoài trồng rau và cây ăn quả, HTX nông nghiệp Dũng Tiến còn cung cấp cây giống cho người dân trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến cho biết: "HTX đã có hệ thống tưới tự động đều cho tất cả các hộ, không phải dùng bằng tay, giảm được công lao động. Tôi là người đứng lên tổ chức vay vốn, hỗ trợ cho bà con mua những hệ thống tưới, tiêu tự động. Tiền vật tư đó, tôi sẽ trừ dần vào sản phẩm khi mua lại, từ đó bà con rất yên tâm sản xuất".

Nhờ chủ động tìm hiểu kỹ thuật, huy động các nguồn lực và được hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới thông minh, kho lạnh, xe lạnh để bảo quản và vận chuyển nông sản, thu nhập bình quân 1ha của HTX đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến thông tin thêm: "Việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới đã thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tận dụng được đất đai và lao động địa phương. Đặc biệt, HTX còn hỗ trợ các thành viên cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy mà đời sống của bà con ngày càng phát triển".

Với mục đích, hình thành các mô hình nông sản sạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Dũng đã liên kết các hộ nông dân trồng rau, cây ăn quả trên địa bàn với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất rau an toàn và chăm sóc cây ăn quả. Với mô hình hay, đúng lúc, HTX đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Đây là tiền đề vững chắc trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)


Tùng Anh