dd/mm/yyyy

Xây dựng mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản

Việc tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thực hiện tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến hình thành nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản... Việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng là điều cần thiết, bởi đó cũng chính là "tấm vé thông hành" cho xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

Nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng

Hiện nay, một số vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cấp mã số, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Sái Văn Triệu ở xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh), thời gian qua, gia đình ông đã được các ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật trồng 70ha chuối tây theo hướng an toàn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Do được cấp mã số vùng trồng, toàn bộ quy trình được kiểm soát chặt chẽ, mỗi năm gia đình ông thu hoạch và xuất bán khoảng 280 tấn chuối, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Cùng với cây chuối, cây bưởi diễn tôm vàng cũng được đánh giá cao về chất lượng và đã hình thành vùng sản xuất tập trung ở huyện Đan Phượng. Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm cho biết, toàn xã hiện có hơn 150ha đất nông nghiệp, trong đó có 45ha trồng bưởi cho giá trị kinh tế cao, nhờ được kiểm soát chất lượng. Không những vậy, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QR code truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân tiêu thụ thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản - Ảnh 1.

Vùng trồng bưởi tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu đi nhiều nước. Ảnh: Ngọc Bích

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết, đến nay, thành phố đã được cấp và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích hơn 300ha; trong đó có 8 mã số vùng trồng chuối, 3 mã số vùng trồng nhãn và 3 mã số vùng trồng bưởi Diễn, phục vụ xuất khẩu.

"Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng mà còn làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững", bà Hoàng Thị Hòa chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Vì vậy, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.

Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành” của nông sản. Cũng theo xu thế đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn người dân xây dựng vùng trồng, tổ chức thiết lập những vùng trồng được cấp mã số.

Xây dựng mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản - Ảnh 2.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp Yên Bái đã thiết lập 37 mã số vùng trồng chè. Ảnh: Trọng Bảo

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, năm 2022, ngành đã thiết lập 37 mã số vùng trồng chè phục vụ xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan cùng nhiều nước châu Âu khác với diện tích 294 ha và cấp được 13 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa với diện tích 35 ha. Năm 2023, dự kiến ngành sẽ cấp mã số cho 35 vùng trồng với diện tích trên 450 ha trên các đối tượng cây trồng như bưởi, thanh long, lúa, rau và một số cây trồng dùng làm dược liệu.

Xây dựng mã số vùng trồng, tích cực tạo "vé thông hành"

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp trong tỉnh Hà Nam đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện đúng tiêu chuẩn về các điều kện canh tác để được cấp mã số vùng trồng nhằm khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt cho người nông dân.

Sản phẩm nho của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam được cấp mã số vùng trồng năm 2022. Để được cấp mã số vùng trồng, ngay từ khi triển khai mô hình, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho nho được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Xây dựng mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản - Ảnh 3.

Vườn nho Hạ Đen của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du đang cho thu hoạch. Ảnh: Vĩnh Linh.

Ông Phạm Văn Đức - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết: "Khi cấp mã số vùng trồng, người nông dân được hưởng lợi là khi bán ra thị trường thì mọi người biết đến cây nho có truy xuất nguồn gốc. Tiêu thụ nói chung là thuận lợi hơn trước kia, trước kia không có mã vùng trồng tiêu thụ nó khó hơn".

Đến nay, tỉnh Hà Nam đã cấp được 26 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 128 ha, trong đó có 10 vùng trồng lúa, 7 vùng cây ăn quả, 5 vùng rau quả tươi, 3 vùng ngô và 1 vùng cây hàng năm. Để bảo đảm việc duy trì các yếu tố kỹ thuật đã đạt, sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương kiểm tra định kỳ các vùng trồng đã được cấp mã số.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh, đặc biệt là xây dựng 2 mã số vùng trồng chuối tiêu hồng, những năm qua, kinh tế nông nghiệp của xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có bước phát triển.

Chị Bùi Thị Tuyết, cán bộ Nông nghiệp xã Liên Châu khẳng định: "Trước kia, chuối tiêu hồng Liên Châu dù chất lượng tốt nhưng giá cả thị trường thiếu ổn định, "đầu ra" hạn chế, bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi đăng ký sản xuất theo cấp mã số vùng trồng và hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chuối của địa phương như được gắn thêm tấm vé thông hành, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng, đầu năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch xây dựng, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được 16 vùng trồng với 26 mã số vùng trồng xuất khẩu, tổng diện tích hơn 171ha, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch đi một số nước như Úc, NewZealand, Mỹ, EU, Trung Quốc. Ngoài ra, 1 cơ sở đóng gói ớt ở huyện Bình Xuyên và 1 cơ sở đóng gói thạch đen ở huyện Vĩnh Tường cũng được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Mã số vùng trồng có thể xem là "chìa khóa" trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng uy tín nông sản trên thị trường. Đây cũng là điều kiện để các địa phương phương hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)


Nguyên An