Hàng trăm hồ sơ xếp hàng đợi "mã số vùng trồng" xuất khẩu sầu riêng, nhiều địa phương muốn được cởi trói

Thùy Duyên Thứ ba, ngày 12/09/2023 06:45 AM (GMT+7)
Mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành” giúp sầu riêng Việt Nam đến với thị trường nước ngoài. Nhưng, quá trình để có được “tấm vé” xuất ngoại còn nhiều gian nan…
Bình luận 0

Tính đến tháng 8/2023, cả nước có hơn 6.800 mã số vùng trồng. Trong đó có 422 mã số vùng trồng sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu. 

Tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng” ngày 11/9, nhiều ý kiến đã được đưa ra xoay quanh việc cung cấp mã số vùng trồng sầu riêng còn khó khăn.

Cần 'cởi trói' khó khăn trong cấp mã số vùng trồng  - Ảnh 1.

Mã số vùng trồng chính là ''Tấm vé thông hành'' để sầu riêng Việt Nam dễ dàng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo đại biểu đến từ Kiên Giang, thời gian qua, công tác xây dựng tiêu chuẩn mã vùng trồng bị đình trệ trong thời gian dài, do chậm có hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang còn 400 hồ sơ đang chờ cấp mã số vùng trồng các loại cây trồng, nhưng theo quy định chủ thể được cấp mã số vùng trồng phải được tập huấn trước khi cấp, do đó cần thời gian để mở các lớp tập huấn nhằm đủ điều kiện cấp…

Còn đại biểu đến từ Hậu Giang phản ánh, việc xây dựng tiêu chuẩn mã vùng trồng để đủ điều kiện cấp cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, đối với mã số vùng trồng đã được cấp, nhiều nông dân vẫn chưa thực hiện tốt việc ghi sổ nhật ký, chưa chú trọng đến công tác phòng chống sinh vật gây hại theo quy định. Dẫn đến có nguy cơ bị thu hồi mã số vùng trồng do không duy trì các điều kiện theo quy định…

Trong khi đó, đại biểu đến từ tỉnh Đắk Lắk nói “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Cụ thể: Một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số; những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác…

Cần 'cởi trói' khó khăn trong cấp mã số vùng trồng  - Ảnh 2.

Đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 49 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 2.186,1 ha

Trước những ý kiến liên quan đến mã số vùng trồng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mong muốn Bộ NNPTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.

“Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…” bà Hương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem