dd/mm/yyyy

Doanh nhân tạo lập chuỗi sản xuất khép kín

Đầu tư hệ thống trang trại và nhà máy chế biến hiện đại với quy mô lớn tại tỉnh Nam Định, ông Vũ Trọng Nghĩa, trú xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu ấp ủ tham vọng hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Trang trại Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Trọng Nghĩa.

Ông có thể chia sẻ về quyết định bỏ tiền ra mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định?

Năm 2013, tôi đã hoàn thành việc mua lại cổ phần của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định, một doanh nghiệp xuất khẩu lợn sữa lớn nhất tỉnh. Cuộc đầu tư này đã giúp tôi đã chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho hệ thống trang trại quy mô của mình.

Khu trang trại tại huyện Hải Hậu

Đến khi phát triển thị trường, yêu cầu về VSATTP rất cao. Trong khi nhà máy đầu tư lâu rồi, khó đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Mặt khác, nhà máy nằm trong thành phố nên chỉ giữ lại công đoạn chế biến sâu, ít ảnh hưởng đến môi trường, do vậy tôi quyết định đầu tư thêm một nhà máy mới. Đến thời điểm này, vấn đề VSATTP trở nên cấp thiết, cùng với những chuyển biến lớn về thị trường xuất khẩu nông sản khi Việt Nam gia nhập TTP nên tôi tự tin rằng định hướng của mình là đúng.

Đầu tư nhà máy với tham vọng đưa sản phẩm thịt lợn chế biến xuất khẩu tại những thị trường lớn, để đáp ứng yêu cầu về VSATTP, ông chọn lựa công nghệ nào?

Trên diện tích 21ha, tại xã Hải Nam (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), tôi đầu tư nhà máy gồm 2 phân xưởng chính là giết mổ và chế biến sâu. Dây chuyền giết mổ, tôi chọn công nghệ của Mỹ, với công suất từ 250 - 300 con lợn/giờ, gần như tự động hoàn toàn. Phân xưởng chế biến sâu mua thiết bị của châu Âu, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 250 tỷ đồng, đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới về giết mổ.

Công nghệ hiện đại có rồi, nhưng khó khăn nhất vẫn là phát triển vùng nguyên liệu, trong đó vấn đề con giống, thức ăn cực kỳ quan trọng. Mình đầu tư cả trăm tỷ vào nhà máy, nhưng con lợn lại không được nuôi đúng quy trình, sử dụng cám có chất cấm, hoặc có chất kích thích thì sản phẩm nhà máy không đạt chuẩn. Vì sự an toàn của doanh nghiệp nên dù vất vả, chúng tôi vẫn phải chủ động lo cả khâu giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và quản lý môi trường.

Như vậy là ông đảm đương từ lúc con lợn trong bụng mẹ, cho tới khi thành món thực phẩm an toàn trên bàn ăn, điều này liệu có quá sức?

Để xây dựng được chuỗi sản phẩm khép kín thực sự không đơn giản, tôi cho rằng doanh nghiệp không nên và không thể làm một mình, bởi nó đòi hỏi nguồn lực rất lớn, không kỳ vọng làm hết được. Nếu không liên kết, doanh nghiệp sẽ trở nên đơn độc trong chuỗi tiêu thụ. Do vậy tôi muốn chia sẻ việc này với cộng đồng. Có nghĩa là phải liên kết với địa phương, lồng ghép kế hoạch phát triển doanh nghiệp với kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh để tranh thủ sự ủng hộ của địa phương cũng như hợp tác với nhiều đối tác khác.

Trang trại được đầu tư công nghệ hiện đại, khép kín

Ông xác định lộ trình liên kết như thế nào?

Hiện nay tỉnh Nam Định đang xây dựng đề án cơ cấu lại ngành chăn nuôi đến năm 2020. Công ty đã được ngành nông nghiệp đề xuất với UBND tỉnh giao cho giữ bộ giống gốc gồm 400 con lợn cụ kỵ để cung cấp cho toàn tỉnh. Doanh nghiệp cũng được giao nhiệm vụ xây dựng Trung tâm giống lợn chất lượng cao tại Nam Định, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

Trong chuỗi sản xuất, tôi đặc biệt quan tâm đến con giống. Bởi nếu giống đưa vào sản xuất kết hợp được nhiều ưu thế lai thì sẽ tiết kiệm được 5 - 7% chi phí thức ăn. Cái lợi nữa là sẽ quản lý tốt được phác đồ dùng thuốc và chi phí trong việc đầu tư chăn nuôi, đồng thời khẳng định được xuất xứ, nguồn gốc của con lợn.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã phát triển mạnh về chăn nuôi tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu để nghiên cứu đề án thành lập HTX chăn nuôi kiểu mới. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy hoạch lại chuồng trại, quản lý về môi trường, quy hoạch giao thông, điện, đồng thời cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú ý và cam kết mua lại sản phẩm cho các trang trại.

Kỳ vọng của chúng tôi là sẽ xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến nhà máy để không phải qua các khâu trung gian, giảm chi phí. Với mục tiêu là phân phối lại lợi nhuận để người chăn nuôi có thu nhập cao hơn, cũng như hướng đến mô hình chăn nuôi tập trung, hiện đại để phát triển bền vững.

Năm 2011, ông Vũ Trọng Nghĩa liên kết đầu tư trang trại tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định) với quy mô 850 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thịt, rồi tiếp tục đầu tư thêm trang trại 5.000 lợn thịt/lứa tại cầu Hà Lạn, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Từ năm 2014, ông tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng và chủ động liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. 

Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình khép kín như kỳ vọng, hẳn ông sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn?

Đúng vậy. Khó khăn lớn nhất là tìm được đối tác tin cậy để cung cấp thức ăn chăn nuôi vừa đảo bảo về chất lượng và giá thành hợp lý. Dự kiến nhu cầu sử dụng thức ăn cho vùng nguyên liệu khoảng 200 tấn/ngày. Mối lo lớn nhất là sản phẩm của đơn vị cung cấp không đảm bảo. Mình đầu tư nhà máy hiện đại nhưng khi sản phẩm đưa ra thị trường có chất cấm thì coi như phá sản. Mặc dù ai cũng muốn hợp tác để phát triển, tuy nhiên vấn đề lòng tin giữa các doanh nghiệp với nhau là rất ít.

Tiếp đến là hợp tác với ngân hàng. Ngân hàng nào cũng nói sẵn sàng đồng hành với nông nghiệp, với nông dân nhưng lại sợ rủi ro. Chẳng hạn dự án của tôi, đã có một số ngân hàng quan tâm đầu tư, song có những hạng mục họ không hiểu hết mục đích của nhà đầu tư nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng chính vì lý do đó mà tới tháng 6.2016, doanh nghiệp mới được giải ngân những đồng vốn đầu tiên. Hiện nay tôi đang đẩy nhanh việc nhập thiết bị để lắp đặt và đưa nhà máy vận hành vào cuối năm 2016.

Trọng Đạt