dd/mm/yyyy

Điện Biên: Băng rừng, vượt suối đưa “nghề mới” đến đồng bào vùng cao

Xác định đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn là một giải pháp thiết thực để tạo việc làm. Những cán bộ làm công tác đào tạo nghề cho nông dân Điện Biên đã băng rừng, vượt suối để đến với đồng bào vùng cao. Cán bộ trực tiếp cầm tya chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến bà con.

Các đơn vị bắt tay nhau đào tạo nghề cho nông dân Điện Biên

Trao đổi với phóng viên, ông Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân Điện Biên chia sẻ: "Để thay đổi tư duy, nâng cao tay nghề cho người lao động, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có những địa phương, cán bộ phải băng rừng, vượt suối, khắc phục mọi khó khăn, đến tận các thôn, bản vùng cao trực tiếp đào tạo nghề. Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và đa dạng các ngành nghề cho người dân. Góp phần tạo việc làm ổn định, từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững địa bàn vùng cao".

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Điện Biên thì lao động của Điện Biên rất có tiềm năng. Tuy nhiên số lao động qua đào tạo lại rất thấp. Vì thế để lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm hay đi xuất khẩu lao động là rất khó. Vì thế công tác đào tạo nghề những năm qua được UBND tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Sở Lao động đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Điện Biên: Băng rừng, vượt suối đưa “nghề mới” đến đồng bào vùng cao - Ảnh 1.

Giảng viên Hà Thị Sọi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, thị xã Mường Lay (Điện Biên), Chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà cho người dân ở bản vùng cao Hua Huổi Luông, xã Lay Nưa. Ảnh Vinh Duy.

Chúng tôi đã có chuyến công tác cùng các cán bộ đến các bản làng vùng cao để "mục sở thị" đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà cho người dân ở bản vùng cao Hua Huổi Luông, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay), mấy tháng liền, giảng viên Hà Thị Sọi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phải vượt quãng đường gần 15km đến tận bản dạy nghề cho bà con. Ngoài khó khăn về giao thông, khi giảng dạy, giảng viên còn gặp rào cản về ngôn ngữ, nhận thức do chênh lệch tuổi tác giữa các học viên. Thế nhưng, cô Hà Thị Sọi vẫn luôn cố gắng, tận tâm, hướng dẫn bà con hiểu và áp dụng kiến thức vào sản xuất.

Cô Sọi tâm sự: "Điểm học cách xa trung tâm 15km, vào mùa mưa thì phải đi bộ lên, thậm chí có hôm trời mưa to, tôi phải bỏ xe lại giữa đường. Trong khi đó, học viên là bà con dân bản, trình độ học vấn, tuổi tác không đồng đều nên khả năng tiếp thu, thực hành cũng hạn chế, đòi hỏi giảng viên phải hướng dẫn nhiệt tình và tỉ mỉ hơn. Để khắc phục khó khăn khi dạy nghề cho bà con, chúng tôi thường phải gắn lý thuyết với thực hành, nếu học lý thuyết không hiểu thì thực hành sẽ hiểu sâu hơn. Ai mà chưa hiểu, chưa làm được thì giảng viên sẽ "cầm tay chỉ việc" cho đến khi thành thạo mới thôi". 

Điện Biên: Băng rừng, vượt suối đưa “nghề mới” đến đồng bào vùng cao - Ảnh 2.

Lớp đào tạo nghề trồng nấm do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với huyện Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.

Hua Huổi Luông là bản vùng cao khó khăn của xã Lay Nưa với 67 hộ, 400 nhân khẩu và tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Được giảng viên đến tận bản, hướng dẫn tận tình, học lý thuyết đi đôi với thực hành, bà con dân bản rất phấn khởi. Tham gia học nghề, bà con được trang bị nhiều kiến thức áp dụng vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Bà Hầu Thị Máy, bản Hua Huổi Luông phấn khởi chia sẻ: "Học nghề mà được giảng viên đến tận bản hướng dẫn, chúng tôi vừa không phải đi xa, không tốn thời gian, mất nhiều công sức, vừa được học lý thuyết gắn với thực hành, giúp mọi người hiểu và nắm chắc kiến thức, kỹ thuật hơn".  

Có nghề mới, người dân Điện Biên thêm cơ hội tìm kiếm việc làm

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương đã được triển khai, lan tỏa đến từng thôn, bản và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bà Phạm Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay cho biết: "Do bà con ở xa trung tâm, muốn tạo điều kiện cho bà con vừa học vừa làm nên trung tâm đã mở lớp tại bản, sát với điều kiện thực tế, thuận lợi rất nhiều cho bà con. Giáo viên của trung tâm cũng rất cố gắng đến tận bản thực hiện công việc của mình, dù điều kiện khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên vẫn nhiệt tình giúp bà con có thêm kiến thức". 

Tương tự như thị xã. Mường Lay, thời gian qua, huyện Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn huyện; UBND các xã tổ chức tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người lao động. Các lớp đào tạo nghề được mở ngay tại thôn, bản để bà con thuận tiện trong việc học tập, tiếp thu kiến thức. Hàng nghìn học viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã được đào tạo nghề theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 3.000 lượt lao động nông thôn được tập huấn chuyển giao công nghệ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng ngô, lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Điện Biên: Băng rừng, vượt suối đưa “nghề mới” đến đồng bào vùng cao - Ảnh 3.

Mô hình trồng dưa lưới của Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh làm thí điểm để chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thì dựa trên nhu cầu của người lao động, mỗi năm, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai kế hoạch vận động, tuyên truyền thu hút học viên tham gia học nghề. Để công tác dạy nghề phát huy hiệu quả, các cơ quan sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề ngay tại thôn, bản. Yêu cầu giáo viên xuống trực tiếp địa bàn để giảng dạy, đào tạo, truyền nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực nghề cho người dân. Thông qua việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo (dài hạn, ngắn hạn), huyện Điện Biên đã đào tạo nghề cho 875 lao động nông thôn, trong đó đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 800 lao động; tạo việc làm mới cho 1.060 lao động. Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục mở các lớp dạy nghề ngắn hạn đối với một số nghề thuộc ngành nông, lâm, thủy sản… cho nông dân, thanh niên dân tộc thiểu số tại các thôn, bản. Việc đào tạo nghề đến tận cơ sở sẽ góp phần mang lại lực lượng lao động có chất lượng phục vụ xuất khẩu lao động và thị trường lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh".

Nhờ sự vào cuộc chủ động của chính quyền cùng với sự tích cực của đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo nghề, nhiều lao động ở các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận gần hơn với cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập. Đó là tiền đề, cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo. 

Vinh Duy