dd/mm/yyyy

Từ dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển": Chuyển biến từ các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội

Thực hiện chương trình ký kết giữa Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) với Sở NNPTNT TP Hà Nội về triển khai Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" đối với các tác nhân chuỗi rau, thịt ở Hà Nội, đến nay công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở Hà Nội đã có chuyển biến rõ rệt.

Hơn 1.600 cơ sở kinh doanh thực phẩm được cấp biển nhận diện an toàn thực phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 453 chợ, 137 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. 

Trong đó, có hơn 19.300 hộ thuộc phạm vi đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025". Đến nay, 1.606 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ tại 9 quận, huyện đã được cấp biển nhận diện an toàn thực phẩm.

Hà Nội có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh được cấp biển nhận diện an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Hà Nội thường xuyên phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương tổ chức các hội chợ, triển lãm, hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm. Trong ảnh: Người dân Thủ đô trải nghiệm dùng thử và mua sắm đặc sản muối ớt Trảng Bàng (Tây Ninh) tại Không gian phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Minh Huệ

Hà Nội là 2 thành phố lớn được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển". Các tác nhân chuỗi giá trị được lựa chọn tại Hà Nội gồm: cơ sở sản xuất ban đầu; sơ chế, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan, tổ chức trong hệ sinh thái cộng đồng liên quan đến chuỗi giá trị được lựa chọn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, cùng với hàng triệu khách du lịch đến Thủ đô mỗi năm, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước. 

Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố mới đáp ứng khoảng 20-70% nhu cầu của người dân (tùy từng loại sản phẩm). Do đó, Hà Nội phải nhập hàng hóa từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo thống kê, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của thành phố Hà Nội như sau: Gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.300 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.400 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 129 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.350 tấn/tháng. Đối với rau củ, nhu cầu của Hà Nội vào khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng...

Đối với nhu cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội ước tính, lượng hàng hóa tiêu thụ năm nay sẽ cao hơn 10% so với dịp Tết 2023. Nhu cầu tăng thêm tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, thủy sản, rau, củ quả trái cây, nông sản khô… Chính vì vậy, việc cập nhật các thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm là rất cần thiết.

Hà Nội có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh được cấp biển nhận diện an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế được Hà Nội tích cực khai thác, đưa về các hệ thống phân phối trên địa bàn. Ảnh: Minh Huệ

Để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô cả về tính đa dạng hàng hóa cũng như đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước. 

Theo đó, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Đồng thời, Chi cục cũng thường xuyên phối hợp với các ban ngành liên quan và các quận, huyện cập nhật các quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, an toàn trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cho người dân Hà Nội. Song song với đó là quản lý tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc thực vật, tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cũng như kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, ban, cụ thể: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Các sở đều đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Công an và Ban chỉ đạo 389 của Thành phố cũng có các kế hoạch để kiểm tra trước, trong và sau Tết, nhằm đồng loạt ra quân kiểm soát tốt nhất chất lượng hàng hóa, kiềm chế lạm phát vào dịp cuối năm...

Hà Nội có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh được cấp biển nhận diện an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Các mặt hàng OCOP ngày càng thu hút sự quan tâm tìm hiểu của người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Đại diện Tập đoàn Central Retail, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch phụ trách Xúc tiến thương mại cho biết, xu hướng tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong đại bộ phận khách hàng, ngoài quan tâm tới chất lượng, giá cả, người dùng đã tìm hiểu khá kĩ tới nguồn gốc sản phẩm, tính minh bạch của nhà sản xuất. 

Để tập trung chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao trong dịp mua sắm cuối năm cũng như dịp Tết nguyên đán sắp tới, Central Retail đã làm việc với các nhà cung cấp trên cả nước để đặt hàng và đảm bảo đủ số lượng cần thiết để dự trữ.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển, xây dựng liên kết cho 50 chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố; 100% số chủ thể tham gia liên kết chuỗi sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất.

Ngoài ra, 100% số liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc (mã QR) nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)

 

Thiên Ngân