dd/mm/yyyy

Trồng cây thảo dược, nhàn mà thu trăm triệu mỗi năm

Ông Mùa A Tùng, bản Lồng, (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) cho hay, cây sa nhân có trên núi hàng trăm năm nay, người Mông chỉ thỉnh thoảng lấy về làm thuốc, ngâm rượu, làm gia vị trong món ăn để giữ ấm.

Cây thuốc bén duyên đất mới

Mở đầu câu chuyện về cây sa nhân, ông Mùa A Tùng, bản Lồng, (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) tâm sự: “Cây sa nhân có trên núi hàng trăm năm nay, người dân bản địa chỉ thỉnh thoảng lấy về làm thuốc. Sống trên những dãy núi cao, quanh năm sương mù, khí hậu lạnh, người Mông thường dùng sa nhân ngâm rượu, làm gia vị trong món ăn để giữ ấm”.

Người dân xã Toả Tình chăm sóc sa nhân.
Người dân xã Toả Tình chăm sóc sa nhân.

Năm 2012 khi các giống sa nhân tím, đỏ được mùa, được giá, một số hộ dân ở bản Lồng đã mua giống sa nhân tím, đỏ về trồng thử nghiệm, trong đó ông Mùa A Tùng là người tiên phong. “Tôi bán 2 con bò được gần 30 triệu đồng, về tận Mộc Châu mua gần 2 vạn cây sa nhân giống về trồng. Lúc đầu ai cũng bảo tôi khùng, sa nhân đầy trên rừng, không trồng lại bán bò để mua giống. Sau 3 năm trồng, sa nhân cho thu hoạch, bán với giá 1 triệu đồng/kg, trong khi sa nhân xanh mọc tự nhiên trên rừng giá chỉ 200.000 đồng/kg. Thấy giống sa nhân mới hiệu quả, nhiều gia đình đã đầu tư mua giống sa nhân tím để trồng thay thế sa nhân xanh”.

Ông Mùa A Dề - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: “Hiện, toàn xã có khoảng 120 ha cây sa nhân, tập trung tại 2 bản: Tỏa Tình (30ha) và bản Lồng (90ha). Trong đó, 100% diện tích sa nhân ở bản Lồng đã cho thu hoạch, còn sa nhân ở bản Tỏa Tình đang giai đoạn trồng, sang năm 2019 sẽ cho thu hoạch.

Cung không đủ cầu

Theo đánh giá của ông Mùa A Dề, cứ đến vụ sa nhân, người dân thu hoạch sấy khô, chẳng cần đem đi đâu, thương lái đến từng nhà tranh nhau mua. Do giá thành cao, số lượng sa nhân khan hiếm nên các thương lái thường đặt hàng các gia đình trồng sa nhân ngay từ đầu năm. Năm 2017, sa nhân khô đầu mùa có giá 1 triệu đồng/kg. Năm nay, giá giảm so với mọi năm, dao động từ 550.000 - 600.000 đồng/kg, nhưng người trồng sa nhân vẫn lãi to do sa nhân trồng mất rất ít công chăm sóc. Hiện, bà con đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích.

Ông Mùa A Vảng, bản Lồng là một trong những người đầu tiên cùng ông Mùa A Tùng trồng sa nhân chia sẻ: “Tôi học theo anh Tùng, mua giống sa nhân về trồng thử nghiệm dưới tán cây táo mèo và đào lai. Sau mấy năm chăm sóc bảo vệ, cây sa nhân cho thu hoạch, gia đình có thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Theo ông Mùa A Vảng, thời gian đầu, việc trồng xen cây sa nhân dưới tán táo mèo chỉ để chống xói mòn, giữ ẩm cho đất song thấy có hiệu quả kinh tế nên ông đã mở rộng diện tích. Hiện, gia đình ông Vảng có khoảng 4 ha cây sa nhân đã cho thu hoạch.

Tương tự, cây sa nhân cũng mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông Mùa A Chìa, bản Lồng. Ông Chìa cho biết: 5 năm trước, thấy nhiều hộ trong bản trồng sa nhân có hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi cũng vay mượn đầu tư trồng 2ha tại những mảnh nương bỏ hoang. Năm nay là năm thứ 2 tôi thu hoạch sa nhân. Sa nhân có giá cao, đầu ra ổn định nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, đến nay tôi đã trả hết nợ.

Hiện, huyện Tuần Giáo có khoảng 200ha cây sa nhân. Từ năm 2016 đến nay, huyện đang hướng phát triển cây sa nhân trên địa bàn các xã: Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Ðông, Tênh Phông… Nhiều mô hình trồng thử nghiệm đã được triển khai nhân rộng để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Bài, ảnh: Thanh Phong