dd/mm/yyyy

Thuận Châu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Những năm qua, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nhiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng canh tác lạc hậu, manh mún nên đời sống còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, những năm qua để tạo khởi sắc cho tam nông, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. 

 Cán bộ khuyến nông xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè cho bà con.

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, năm vừa qua, UBND huyện Thuận Châu đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng có hiệu quả thấp sang cây có giá trị kinh tế cao. Hàng trăm ha lúa nương, ngô, sắn kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Trong năm 2018, sản phẩm Chè Phổng Lái được cấp nhãn hiệu chứng nhận và khoai sọ Thuận Châu được cấp nhãn hiệu tập thể. Việc này góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến hết năm 2018, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Thuận Châu đạt 3.161 ha, trong đó: Nhãn 331 ha, Xoài 1.222 ha, Bơ trồng xen 430 ha, Chanh Leo 111 ha, cây có múi 70 ha, cây ăn quả khác 997 ha; diện tích cây Cà phê 5.257 ha (trong đó cà phê kinh doanh 3.756 ha); Chè 1.146 ha (trong đó chè kinh doanh 737 ha); Sơn Tra 4.726,6 ha, Cao Su 1.677 ha (trong đó diện tích cho sản phẩm 656 ha).  

Cây ăn quả ở Thuận Châu, tiếp tục khẳng định được thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp của huyện. 

Để đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến… huyện Thuận Châu cũng đã tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với các hộ dân. 

Công tác cải cách thủ tục hành chính được giảm bớt nhiều thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tập thể tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong năm 2018, huyện Thuận Châu thành lập mới 9 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ 2 HTX nuôi thủy sản với tổng số tiền 615 triệu đồng; hỗ trợ HTX Chanh Leo triển khai nhân rộng mô hình Chanh Leo với tổng số tiền 347,2 triệu đồng. Tính đến nay, toàn huyện có 39 hợp tác xã đang hoạt động. 

Từ những nỗ lực trên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chủ lực. Nhiều chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản được hình thành như Chè, Chanh Leo, Xoài, Cam, Bơ, Thanh Long ruột đỏ… Giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản tăng từ 1.548,6 tỷ đồng năm 2017 lên trên 1.650 tỷ đồng năm 2018 (tăng 6,55% so với cùng kỳ năm 2017).

 Mô hình trồng chè của ông Lò Văn Dủng ở xã Mường É, được Công ty TNHH Thân Nga Phổng Lái (Thuận Châu) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ngoài việc chú trọng trong việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Thuận Châu cũng chú trọng phát triển ngành thủy sản. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 HTX và 1 doanh nghiệp nuôi và phát triển thủy sản với quy mô 466 lồng. Diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn toàn huyện 380 ha, sản lượng khai thác đạt khoảng 1.000 tấn.

 Nhiều hộ dân ở bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng có thu nhập tăng lên đáng kể nhờ phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Ngoài các đối tượng chủ lực như cá Rô Phi đơn tính, cá Chép lai, Trắm Cỏ còn có các loại cá nuôi truyền thống như cá Trôi, Mè và một số cá nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Chiên, cá Nheo. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ tươi sống tại các chợ trung tâm huyện và đã liên kết hình thành được thị trường tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh khác. Trong năm 2018, số lồng cá tăng 76 lồng (tăng 103,8% so với kế hoạch đề ra).

Một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện. Hết năm 2018, huyện đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ nhiều dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020, như: Dự án phát triển sản xuất sản phẩm Xoài (tại các xã: Liệp Tè, Mường Bám, Chiềng Ngàm, Mường Khiêng, Bó Mười); dự án phát triển sản xuất sản phẩm Cam (tại các xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Tông Lạnh)...

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, hết năm 2018, huyện Thuận Châu đã trồng mới được 1.155 ha cây ăn quả các loại. 

Nhờ thực hiện bài bản nhiều giải pháp trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, hết năm 2018, thông qua các đơn vị thu mua và xuất khẩu nông sản như: Sản phẩm Chanh Leo là Công ty Nafood Tây Bắc; sản phẩm Chè là Công ty TNHH Thu Đan, Công ty TNHH trà Minh Anh, Công ty TNHH Izin, Công ty TNHH Long Dương, Công ty TNHH Casa, Công ty TNHH Thân Nga, HTX Bình Thuận; sản phẩm Cà phê là Công ty TNHH SX&TM Cát Quế và Công ty TNHH cà phê Minh Tiến, huyện Thuận Châu đã xuất khẩu được 704,6 tấn Chanh Leo sang thị trường Trung Quốc, Pháp; 968,792 tấn Chè sang thị trường Đài Loan; 980 tấn Cà Phê sang thị trường Trung Quốc, Châu Âu, các nước Mỹ La Tinh, giá trị tham gia xuất khẩu đạt 122,22 tỷ đồng. Ước đến hết năm 2018, giá trị tham gia xuất khẩu đạt 170 tỷ đồng. 

 Diện mạo nông thôn Thuận Châu đang từng ngày khởi sắc nhờ thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Những năm qua, thu nhập của các hộ dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Châu liên tục tăng. Nhiều hộ dân có thu nhập từ hàng chục, hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm nhờ liên kết với các HTX, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong sản xuất Chè, Chanh Leo… Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Thu nhập được nâng lên, bà con tích cực đóng góp tiền, công sức vào xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đã giúp bức tranh tam nông huyện Thuận Châu chuyển mình mạnh mẽ. Tính đến hết ngày 30.3.2019, huyện duy trì một xã đạt chuẩn NTM (Phổng Lái). 8 xã đạt từ 10 – 13 tiêu chí (Tông Cọ, Chiềng La, Tông Lạnh, Chiềng Ngàm, Chiềng Pha, Phổng Lăng, Bó Mười, Bon Phặng). Các xã còn lại đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân toàn huyện là 9,07 tiêu chí/xã, tăng 4 tiêu chí so với hết năm 2018.

 Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thuận Châu ngày càng được nâng lên.

 

Tuệ Linh