dd/mm/yyyy

Quỳnh Nhai: Phát triển nuôi cá lồng tạo sinh kế cho người dân

Tận dụng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã vận động nhân dân nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Trao đổi với ông Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, được biết: Sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, đã hình thành mặt nước rộng hơn 10.000 ha trải rộng trên địa bàn huyện, lợi thế để huyện nuôi trồng thủy sản. Để phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có này, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã huy động các nguồn lực thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp vùng lòng hồ, vận động nhân dân chuyển từ trồng cây hàng năm sang nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.

 Việc phát triển nghề nuôi cá lồng trền vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.

Qua đó, huyện tranh thủ các nguồn lực của Nghị quyết 88, Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh Sơn La và nguồn vốn sự nghiệp 30a, hỗ trợ mỗi lồng cá 5 triệu đồng cho các hộ dân nuôi cá lồng thí điểm tại 3 xã Chiềng Bằng, Nậm Ét, Mường Sại. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ dân dọc sông tham gia nuôi cá lồng phát triển kinh tế. Từ những lồng cá nuôi đầu tiên, đến nay, mô hình nuôi cá lồng của huyện đã nhân rộng ra 7/11 xã, với trên 6.000 lồng cá, sản lượng cá trung bình hàng năm đạt gần 2.700 tấn.

 Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

Theo ông Thu, việc nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, còn giải quyết được bài toán áp lực thiếu đất sản xuất, bởi hầu hết đất sản xuất của huyện đều bị nước dâng ngập nên khi người dân xuống lòng hồ nuôi cá lồng thì nhu cầu sử dụng đất sản xuất ít đi. Cái nữa là giữ được diện tích rừng hiện có và tạo điều kiện tiếp tục phát triển độ che phủ của rừng. Đồng thời, hạn chế được đơn thư về chính sách tái định cư, tranh chấp đất đai, đảm bảo được an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tại địa phương.

 Từ nuôi cá lồng, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã có thu nhập ổn định.

Để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người nông dân tham gia nuôi cá lồng như: Thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thành niên… và mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức nuôi cá lồng cho người dân. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm huyết đến với Quỳnh Nhai đồng hành cùng người nông dân nuôi cá lồng, để nghề nuôi cá lồng trở thành nghề chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện- ông Thu cho hay.

 Nhiều người nông dân Quỳnh Nhai đã vươn lên thoát nghèo từ nuôi cá lồng. 

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, huyện Quỳnh Nhai đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu, như: Thành lập tổ tư vấn thuỷ sản, tập huấn, tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật, cách phòng dịch bệnh, liên kết tiêu thụ… cho người nông dân. Vận động các hộ nuôi cá lồng thành lập HTX nuôi trồng thủy sản để được hưởng những chính sách ưu tiên của Nhà nước. Qua đó, định hướng cho các HTX nuôi cá lồng trên địa bàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi cá sạch, tạo thương hiệu cá sông Đà với người tiêu dùng. Nhờ đó, số lượng HTX thủy sản nuôi cá lồng trên địa bàn huyện ngày càng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 46 HTX thủy sản được thành lập tham gia nuôi cá lồng. Việc nuôi cá lồng đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người nông dân.

 Nuôi cá lồng đang trở thành một trong những nghề chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Quỳnh Nhai.

Vừa qua, cá sông Đà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “cá sông Đà và Cá tầm Sơn La”. Việc sản phẩm cá khu vực sông Đà của tỉnh Sơn La trong đó có huyện Quỳnh Nhai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận sẽ góp phần quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị cá sông Đà với người tiêu dùng. Giúp người nông dân thêm gắn bó với nghề nuôi cá lồng của mình. Qua đó, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.

 Phát triển nuôi thủy sản luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đặc biệt quan tâm.

“Để nâng cao hiệu quả phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường; duy trì hỗ trợ kỹ thuật nuôi thủy sản và tư vấn hoạt động tài chính thông qua tổ tư vấn thủy sản của huyện; tăng cường kiểm soát bệnh dịch; tăng cường hỗ trợ duy trì đảm bảo nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, đặc biệt là khâu chế biết thủy sản”, ông Thu chia sẻ.

Quốc Định