dd/mm/yyyy

Người tiêu dùng “mù mờ” giữa rau an toàn và rau hữu cơ

Hiện nay trên thị trường nhiều người tiêu dùng vẫn còn chưa hiểu rõ thế nào là rau an toàn và thế nào là rau hữu cơ. Dưới đây là thông tin để giúp chúng ta hiểu hơn về hai loại rau này.

Trước lo ngại về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay, nhu cầu dùng rau an toàn, rau hữu cơ ngày càng cao. Chính vì thế trên thị trường xuất hiện nhiều cửa hàng bán rau an toàn, rau hữu cơ. Nhưng có nhiều người lại không biết tiêu chuẩn thế nào về hai loại rau này. Bên cạnh đó cũng có một số cửa hàng bán rau “tự xưng” là rau an toàn, rau hữu cơ và giá của các loại rau an toàn, rau hữu cơ cao hơn so với những loại rau chợ.

Rau an toàn (RAT) phải đảm bảo 4 tiêu chí về RAT mà tổ chức y tế thế giới hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu. Ảnh: Nguyên Võ
Rau an toàn (RAT) phải đảm bảo 4 tiêu chí về RAT mà tổ chức y tế thế giới hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu. Ảnh: Nguyên Võ

Khi hỏi chị Phương Anh - một nội trợ gia đình ở quận Tân Bình, TP.HCM, chị cho biết “thật sự tôi cũng không biết rõ thế nào là rau an toàn, rau hữu cơ. Tôi nghĩ đây là những loại rau không phân, không thuốc hóa chất nên mua về sử dụng trong gia đình”.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết: Rau An toàn (RAT) phải là loại rau sạch về mặt bảo quản và đóng gói bao bì và phải đạt được 04 nhóm tiêu chí về RAT mà tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu. 04 nhóm tiêu chí đó bao gồm: Hàm lượng Nitrate (N03-) phải nhỏ hơn ngưỡng cho phép của tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu; Hàm lượng một số kim loại nặng (pb; Hg; Cd; As….) phải nhỏ hơn ngưỡng cho phép của tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu; Hàm lượng chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật phải nhỏ hơn ngưỡng cho phép của tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu; Mật số một số loại vi sinh vật gây hại (ví dụ: E.Coli; Samonella….) có trong sản phẩm phải nhỏ hơn ngưỡng cho phép của tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc “hàng rào kỹ thuật” của quốc gia nhập khẩu.

Còn Rau hữu cơ là loại rau được trồng theo qui trình canh tác hữu cơ và được tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM; OMRI) hoặc một quốc gia có uy tín như Mỹ (USDA) giám sát và cấp giấy chứng nhận sản phẩm “nông sản hữu cơ”. Việt Nam cũng đang tiến hành các bước cho qui trình này.

Với chất lượng thì rau hữu cơ hay nông sản hữu cơ là sản phẩm chất lượng và an toàn nhất. Việc trồng rau hữu cơ sẽ tốn kém hơn nhưng trên thị trường thế giới thì giá rau hữu cơ bán ra cao hơn gấp từ 5-10 lần so với những loại rau khác.

Cũng theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, hiện tại trên thị trường một số cửa hàng vẫn quảng cáo rau hữu cơ là hoàn toàn chưa bảo đảm đúng chất lượng và mức độ an toàn của những sản phẩm này. Rau hữu cơ không chỉ là rau không bón phân hóa học, hay chỉ bón phân hữu cơ khi trồng. Như vậy chưa thể gọi là rau hữu cơ, hoặc rau an toàn. Phần này các ngành chức năng; các nhà chuyên môn và các cơ quan truyền thông phải làm rõ từng phạm vi, mức độ, qui trình sản xuất theo các tiêu chuẩn cuj thể. Có như vậy, người tiêu dùng mới nắm được để nhận biết các loại rau, góp phần bảo vệ cho những sản phẩm RAT và Rau hữu cơ một cách minh bạch và công bằng.

(Theo Nguyên Võ/PLO)

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Điều phối hệ thống Đảm bảo có sự tham gia – Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam:
Về cấp Giấy chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ
"Tại Việt Nam hiện nay chưa có cơ quan nào cấp Chứng nhận hữu cơ cho thị trường nội địa. Một số tổ chức chứng nhận của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như Control Union, JAS… đã cung cấp dịch vụ chứng nhận cho một số sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Để giúp người sản xuất nông sản có điều kiện đảm bảo và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hữu cơ trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được sản phẩm sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ, một hệ thống giám sát nội bộ - hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS được ra đời trong Dự án Phát triển trong nông nghiệp hữu cơ ADDA-VNFU như một giải pháp thay thế. Nó cũng là hệ thống giám sát và bảo đảm chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường trong nước của Việt Nam hiện nay. PGS hiện đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam".
Về tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ
"Để được công nhận và bán sản phẩm là nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, được đánh giá sự tuân thủ và được cấp chứng nhận. Khi đó các sản phẩm sẽ được dán tem nhãn nhận diện theo quy định".
(Theo Lê Chiên/DV)
 
Tổng hợp