dd/mm/yyyy

Người phụ nữ “nặng tình” với chè sạch

Chị Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường (Lai Châu) có công lớn đưa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường đi lên từ con số âm; đưa hương chè Tam Đường bay cao, bay xa ra nhiều nước trên thế giới.

“Nặng tình” với chè sạch

Ngồi đối diện với chúng tôi bên bộ bàn ghế cũ kĩ, trong căn phòng đơn sơ là chị Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường, người có công lớn trong việc đưa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường đi lên từ con số âm. Không những thế, chị còn đưa hương chè sạch Tam Đường bay ra thế giới.

Vùng nguyên liệu chè ở Tam Đường ngày càng mở rộng.
Vùng nguyên liệu chè ở Tam Đường ngày càng mở rộng.

Ân cần rót nước mời khách, chị Loan hồ hởi khoe: “Chè thượng hạng đấy, nhà báo uống thử rồi cho ý kiến”. Cầm chén trà nước trong, xanh trên tay, tôi nhấp thử một ngụm. Cảm giác thật khó tả, đó là mùi hương thơm nồng nàn, quyến rũ của trà và cả vị hơi chan chát, ngọt hậu nơi đầu lưỡi. Anh bạn đi cùng cứ tấm tắc khen trà ngon mãi không ngớt. Chị Loan cười giòn tan, nói: “Đây là trà Kim Tuyên do công ty sản xuất, là một trong những sản phẩm chè sạch Tam Đường. 100% nguyên liệu là chè búp tươi (giống chè Kim Tuyên – PV) được trồng, chăm sóc, thu hái theo quy trình kỹ thuật an toàn và được sản xuất, chế biến trên dây chuyền công nghệ tiên tiến. Giống chè chất lượng cao Kim Tuyên xuất xứ từ Đài Loan, được đưa vào trồng trên đồng đất Tam Đường từ năm 2011”.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường là Nông trường Quốc doanh, Xí nghiệp chè Tam Đường, Công ty chè Tam Đường, Công ty TNHH một thành viên chè Tam Đường.
Đồng hành với những biến đổi, thăng trầm của công ty, gần 30 năm qua, với nhiều cương vị khác nhau, chị Loan vẫn “một lòng, một dạ” với cây chè, với công ty. Chị luôn đau đáu một nỗi niềm, đó là làm sao vực dậy vùng nguyên liệu chè, làm sao để công ty ngày càng phát triển, làm ăn có lãi và bà con dân tộc ở địa phương có thể “sống tốt” nhờ cây chè.

Chị Loan cho biết, khi chị được bổ nhiệm làm giám đốc cũng là thời điểm công ty gặp nhiều khó khăn. Dây chuyền sản xuất lạc hậu, nhà xưởng xuống cấp và khoản nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng... khiến chị nhiều đêm mất ngủ. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, chị Loan đánh liều thế chấp ngôi nhà của gia đình để vay ngân hàng lấy tiền trả nợ.

“Là người “đứng mũi chịu sào” nên bao áp lực của công ty tôi đều phải gánh vác. Nhiều năm qua, tôi không dám ốm. Cũng may vì được anh chị em trong công ty tin tưởng, ủng hộ và chia sẻ nên những khó khăn của Công ty dần được giải quyết” – chị Loan bày tỏ.

Đưa hương chè sạch Tam Đường bay xa

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm chè của mình, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, chị Loan cùng các ngành chức năng của tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng vùng chè nguyên liệu tập trung tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường.

Dây chuyền chế biến hiện đại của Công ty CP Đầu tư phát triển chè Tam Đường.
Dây chuyền chế biến hiện đại của Công ty CP Đầu tư phát triển chè Tam Đường.

Với những chính sách hỗ trợ người dân trồng chè của tỉnh Lai Châu, vùng chè nguyên liệu với giống chè chất lượng cao Kim Tuyên ở Bản Bo đã hình thành, phát triển tốt, từ hơn 40 ha ban đầu, đến nay đã phát triển lên gần 500 ha.

Không đứng ngoài cuộc, ngay từ những năm tháng đầu tiên, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường đã đồng hành, hướng dẫn người dân từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc giống chè Kim Tuyên.

Theo chị Loan, Tam Đường được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai màu mỡ, nguồn nước tự nhiên dồi dào, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Để làm ra chè sạch, đáp ứng yêu nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và nước ngoài, Công ty đã ký kết bao tiêu sản phẩm với người trồng chè. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ theo quy trình kĩ thuật của Công ty ở tất cả các khâu, từ trồng, chăm sóc, bón phân đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Công ty cũng khuyến cáo người dân không phun thuốc diệt cỏ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do công ty ký hợp đồng với đơn vị cung ứng...

‘Chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất chè sạch thông qua giá thu mua. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của công ty vào thâm canh nương chè sẽ được thu mua với giá cao hơn. Chính sách này được người trồng chè hưởng ứng, tự nguyện đăng ký thực hiện” – chị Loan thông tin.

Chính sách này không chỉ áp dụng với vùng chè ở Bản Bo mà được áp dụng rộng rãi với cả người trồng chè ở huyện Tam Đường, Thành phố Lai Châu và các huyện khác đang hình thành vùng chè. Hiện, hơn 2.300 hộ dân ở các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đăng kí thực hiện theo quy trình kỹ thuật của Công ty, với tổng diện tích hơn 2.000 ha.

Có được vùng nguyên liệu bền vững, an toàn, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tiên tiến của Nhật Bản, Đài Loan... cho ra đời nhiều sản phẩm trà hảo hạng, hương thơm nồng nàn, chất lượng cao như: trà Oolong, Mátcha, sencha, Kim Tuyên... đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính ở nước ngoài.

“4 năm trở lại đây, nhiều người đã biết đến thương hiệu chè Tam Đường. Bình quân mỗi năm, Công ty sản xuất được khoảng 2.000 tấn chè thành phẩm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Đài Loan và một số nước châu Âu” – chị Loan vui vẻ nói.

Bài, ảnh: Văn Chiến