dd/mm/yyyy

Người nuôi sẽ ngạc nhiên với loài chim yến

Thật kỳ lạ khi chúng ta tới thăm những nhà yến ở thành phố Nha Trang, hay Phan Rang – Tháp Chàm. Giữa nơi phố xá ồn ào và náo nhiệt như vậy mà chim yến vẫn kéo hàng nghìn con về tụ lại trong những căn nhà đặc biệt: vừa tối, vừa ẩm, vừa bốc mùi hăng hắc của phân chim…

Ta mò mẫm vào bên trong và ngạc nhiên khi chiếu đèn lên trần. Cả một thế giới của chim yến! Hàng nghìn con ríu rít trong những tổ màu trắng đục bám kín trên trần…

Chim yến là một loài chim đặc biệt. Chúng thường sống ở các hòn đảo gần bờ trong những hang sâu, sát mép nước có điều kiện vừa tối, vừa ẩm, vừa kín đáo… Cũng có khi chúng còn sống cả ở những hang đá trong đất liền.

Chim yến phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam Á. Khác với các loài chim trong tự nhiên, chim yến bay rất giỏi và bay liên tục. Nó không dừng, đỗ. Nó chao đảo trên trời hàng tiếng đồng hồ để kiếm thức ăn (là các loại côn trùng) rồi bay thẳng về tổ, mớm mồi cho con. Cánh của chúng rất dài và hẹp, trông như một cánh cung. Chân nó yếu, không đi lại được. Nhưng móng của nó lại rất sắc và khoẻ, giúp nó bám được vào vách trần của các hang động. Cần phân biệt giữa các loài nhạn (chim én) thuộc bộ sử với chim yến.

Chim yến bay rất nhanh (140 – 160km/giờ) và thường bay thẳng (chứ không vòng lượn, đậu, đỗ trên dây điện như chim nhạn). Nó vừa bay vừa kêu. Âm thanh phát ra (giống như sóng siêu âm) đập vào con mồi và các vật cản rồi truyền trở lại, giúp cho chim yến xác định được khoảng cách để bắt mồi hoặc né tránh va đập...

Tổ yến - vàng trắng!

Giá của các tổ yến có lúc lên tới 3.000-4.000USD/kg (tương đương 60-80 triệu đồng), có lúc còn cao hơn. Vì vậy, có người ví von nó là loại “vàng trắng”.

Từ xa xưa, con người đã biết tới giá trị tuyệt hảo của tổ yến (yến sào). Nó được coi như thần dược, vừa tăng cường sức lực, vừa trị được nhiều bệnh cho con người. Khoa học hiện đại đã làm sáng tỏ hơn khi xác định được thành phần của tổ yến, trong đó chủ yếu là glucotein. Người ta chú ý tới các amino axit không thay thế, các khoáng chất và đặc biệt là axit sialic có trong thành phần chất cấu tạo của tổ yến (chữ sialic là lấy từ chữ saliva có nghĩa là “nước bọt” trong tiếng Hy Lạp). Chính axit sialic làm cho tổ yến có được những giá trị dược học tuyệt vời.

Chúng ta đều biết, chim yến nhả nước bọt ra để kết lại thành tổ. Trong nước bọt của chim yến không chứa các men phân giải thức ăn như động vật có vú mà nó chỉ có tác dụng làm mềm thức ăn cho dễ nuốt. Chính nước bọt đó của chim có chứa những chất mà con người mơ ước.

 
Trên thế giới, có hàng chục loài chim yến nhưng chỉ có một số loài là tổ của chúng có thể người ăn được. Các tổ đó có thành phần chủ yếu là protein (85%), các chất khoáng và vitamin.

Do những biến động nào đó ở các vùng biển nên có những con chim yến đã bỏ đảo và tìm tới những nơi trong đất liền. Ta thấy, đôi khi nó tới các căn nhà bỏ hoang, các tum của nhà cao tầng, các công sở, các kho tàng, các hang đá… để làm tổ. Điều đó thôi thúc bà con vùng Đông Nam Á nghĩ tới việc nuôi yến trong đất liền. Công nghệ nuôi chim yến diễn ra ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Mãi cho tới năm 2003 – 2004, nó mới du nhập vào Việt Nam. Chúng ta không nên coi đó là một nghề nuôi chim cảnh, vì nó đưa lại những khoản lợi nhuận kếch sù. Người ta tính doanh thu bán lẻ tổ yến trên thế giới năm 2006 là 3,8 tỷ USD và tới năm 2009 là 4,15 tỷ USD. Riêng Malaysia năm 1990 có 100 nhà yến, năm 2006 phát triển lên tới 36.000 cơ sở nuôi yến và năm 2007 lên 40.000 nhà nuôi.

Hãy khăn gói lên đường...

Tới năm 2008, sản phẩm yến sào xuất khẩu đứng thứ tư ở Malaysia (sau dầu mỏ, dầu cọ và cao su). Dự kiến tới năm 2020, họ sẽ thu về 3,2 tỷ USD nhờ yến sào (tương đương 64.000 tỷ đồng Việt Nam), ấy vậy mà lượng yến của họ mới chỉ bằng 1,4 của Indonesia và còn xếp sau cả Thái Lan. Vì vậy, nhìn vào Việt Nam, nói như TS. Lê Võ Định Trường là “… rất đáng hổ thẹn”. Ta có đủ mọi điều kiện tự nhiên phù hợp, ta lại là nước phân bố loài yến có giá trị cao nhất... nhưng ta chưa hiểu hết tiềm năng sinh học tuyệt vời của hoạt động sản xuất này, chưa có những tầm nhìn chiến lược về chim yến, chưa đưa vào các chương trình trọng điểm của Nhà nước, chưa huy động mạnh mẽ nhân dân tham gia, chưa khuyến khích những đơn vị và cá nhân đi đầu...

Đã đến lúc phải xốc tới để một mặt giữ vững và mở rộng các đảo yến ngoài biển khơi. Mặt khác, tích cực huy động nhân dân tham gia xây dựng các nhà yến ở tất cả những vùng có đủ điều kiện. Nhiều công ty đã sẵn sàng giúp đỡ bà con kỹ thuật xây nhà yến như Công ty yến sào (Khánh Hoà), công ty Yến Việt (Ninh Thuận)... họ đã giúp rất nhiều gia đình thành công.

Đảo Yến (Khánh Hòa)

Gọi là “nuôi yến” có lẽ chưa chính xác vì ta có phải cho nó ăn, uống gì đâu. Nó tự đi kiếm ăn hàng ngày, ta chỉ lo việc làm nhà cho nó tới làm tổ. Nhà đó phải đủ điều kiện như: độ ẩm, độ tối, độ thông thoáng, nhiệt độ thích hợp, mùi vị quen thuộc và cả âm thanh của đồng loại nữa. Yến là loài hoang dã, tốt thì nó ở, xấu thì nó bỏ đi. Vì vậy, giữ nó lại với ta là cả một nghệ thuật, một qui trình linh hoạt và khắt khe mà những đơn vị đi đầu đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để nắm được.
Những người quyết chí hãy khăn gói lên đường! Phải đi học thì mới làm được. Không chịu bỏ tiền của và sức lực ra thì làm sao vươn lên được.

Dân giàu là tiêu chí cơ bản trong những tiêu chí để chúng ta xây dựng nông thôn mới. Hãy mạnh dạn tìm lối đi cho chính gia đình chúng ta.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng