dd/mm/yyyy

Mường Nhé: Xuất khẩu lao động với người dân tộc thiểu số khó ở khâu nào?

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) từng được kỳ vọng là giải pháp khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế cho các hộ nghèo của huyện Mường Nhé (Điện Biên). Tuy nhiên, công tác XKLĐ gặp nhiều khó khăn, bất cập, khiến tỷ lệ lao động xuất khẩu đạt thấp.

Rất khó đưa lao động Mường Nhé đi xuất khẩu

Với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm và thực hiện giảm nghèo bền vững. Những năm qua các ngành chức năng, chính quyền huyện Mường Nhé đã phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu về việc làm đến người dân. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia XKLĐ những năm gần đây không đạt mục tiêu đề ra. Mường Nhé gặp khó khăn về đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Trao đổi với với phóng viên, ông Lò Văn Chiên, Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé cho biết: "Xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài của huyện Mường Nhé hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là trình độ ngoại ngữ của lao động không có. Lao động chưa qua đào tạo tay nghề, không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nước ngoài. Thứ hai là chi phí để đưa lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài còn cao. Thủ tục rườm rà, chất lượng lao động thấp, thói quen lao động thiếu tổ chức kỷ luật do tập quán sản xuất của người dân… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những trở ngại khiến tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài của Mường Nhé đạt thấp".

Mường Nhé: Xuất khẩu lao động cho người dân tộc thiểu số khó ở khâu nào? - Ảnh 1.

Do nhiều yếu tố như: Trình độ ngoại ngữ, chuyên môn chưa qua đào tạo nên các lao động của huyện Mường Nhé rất ngại XKLD nước ngoài. Ảnh Vinh Duy.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện Nghị quyết 30a, người dân huyện được hưởng nhiều ưu đãi khi XKLĐ (hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, tiền đi lại, vay vốn ngân hàng...). Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là không hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm Mường Nhé có 1 đến 2 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan. Mặc dù huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng do quen lao động tự do, ngại đi xa nên số người trên địa bàn tham gia XKLĐ ngày một giảm. Mặt khác, có trường hợp tổng thu nhập của người đi làm việc ở nước ngoài không cao như người làm việc trong nước.

Khó khăn của huyện Mường Nhé cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Mặc dù nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ được triển khai thực hiện là điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lao động, nhất là lao động ở các huyện 30a. Các thủ tục cần thiết của người tham gia xuất khẩu lao động được hoàn tất nhanh gọn. Phía doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ được tạo điều kiện thuận lợi vào địa bàn để tuyển dụng lao động... nhưng công tác XKLĐ không mấy khởi sắc.

Vì sao lao động Mường Nhé không mặn mà đi XKLĐ nước ngoài?

Anh Thào A Thán, ở xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã từng có ý định đi XKLĐ. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, tính toán anh quyết định đi làm việc tại công ty trong nước (hiện nay anh Thán đã trở về địa phương). Anh Thào A Thán chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu một số thị trường lao động có thu nhập cao (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức) thì yêu cầu khá cao, nhất là ngôn ngữ; cùng với đó chi phí xuất cảnh khá lớn. Một số nước khác điều kiện đơn giản hơn, thì mức lương thu nhập cũng thấp; thậm chí không cao hơn một số công ty trong nước. Vì vậy, tôi quyết định đăng ký tham gia làm việc tại Công ty Xây lắp mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ở Quảng Ninh. Công việc ổn định với mức thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng, tôi tiết kiệm gửi về gia đình đầu tư mua bò sinh sản, phát triển sản xuất và đã thoát nghèo.

Mường Nhé: Xuất khẩu lao động cho người dân tộc thiểu số khó ở khâu nào? - Ảnh 2.

Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí để đi XKLD. Nhưng tỷ lệ lao động đi làm việc tại nước ngoài của huyện Mường Nhé còn rất ít. Ảnh Vinh Duy.

Mặc dù Mường Nhé có lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia xuất khẩu rất lớn (chiếm khoảng trên 60% tổng số lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, số lao động này còn mang nặng phong tục tập quán, ngại thoát ly sống xa gia đình, làng, bản. Tâm lý ngại tiếp cận với những điều kiện mới. Chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, một số lao động đang tập trung học nghề, học ngoại ngữ bỏ về không có lý do, làm ảnh hưởng đến tư tưởng số lao động đang học hoặc chuẩn bị tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và hoạt động của các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ.

Đối với các thị trường lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản có thu nhập cao, ổn định thì chi phí đầu vào cao, yêu cầu tuyển dụng tay nghề của doanh nghiệp khắt khe, lao động tỉnh ta khó đáp ứng. Đơn cử, thị trường lao động Hàn Quốc chỉ ưu tiên tái tuyển dụng lao động trung thành và lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn chứ không tuyển dụng lao động mới. Trong khi đó, theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 50 lao động không về nước đúng thời hạn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Còn đối với các thị trường Malaysia, Đài Loan cánh cửa XKLĐ vẫn mở rộng nhưng không thu hút lao động bởi thu nhập cao hơn không nhiều so với làm việc tại các khu công nghiệp trong nước.


Vinh Duy