dd/mm/yyyy

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, giúp nông dân phát triển kinh tế

Để nông dân có thêm kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã có cách làm hay. Cũng đồng đất ấy, nhưng những loại cây trồng mới được thay thế các loại giống cũ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông dân đã biết trồng cỏ, làm chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh…

Nông dân Mường Chà giảm nghèo bắt đầu từ tư duy sản xuất

Trong câu chuyện với phóng viên về hướng giảm nghèo cho nông dân, ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà chia sẻ: "Gần 90% dân số của huyện là đồng bào dân tộc ít người. Vì thế tư duy sản xuất của nông dân vẫn theo lối cũ. Sản xuất, chăn nuôi mà bị dịch bệnh thì coi như mất cả gia sản. Để nông dân có cách làm kinh tế mới, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, tổ chức tập huấn, làm các mô hình kinh tế để nông dân học tập, làm theo. Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của chính người dân trong cách trồng trọt, chăn nuôi. Như thế bà con làm kinh tế mới có lãi, vươn lên thoát nghèo".

Đúng như lời ông Chủ tịch UBND huyện Mường Chà chia sẻ, những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện đã thay đổi. Những trang trại, gia trại chăn nuôi được nông dân trên địa bàn huyện ngày càng nhiều. Những hộ chưa có vốn sản xuất thì đã có các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi, áp dụng giúp nông dân triển khai các mô hình kinh tế phù hợp. Từ đó đưa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, cách làm hay để giảm nghèo - Ảnh 1.

Nông dân Mường Chà, đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Các loại giống mới đã được bà con thay thế các giống cũ hay thay thế các loại cây trồng cho kinh tế cao. Ảnh Vinh Duy.

Minh chứng cho phong trào nông dân Mường Chà giảm nghèo bền vững, bà Lò Thị Bô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện đã giới thiệu cho chúng tôi nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Giàng A Chía, bản Na Sang, xã Na Sang là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mang lại năng suất cao là cây dứa.

Chia sẻ với phóng viên, anh Giàng A Chía cho biết: "Nhiều năm trước, gia đình tôi chủ yếu canh tác lúa nương hoặc ngô nhưng năng suất không cao. Thậm chí có những năm thời tiết không thuận lợi dẫn đến mất mùa khiến 6 miệng ăn của gia đình có lúc lâm vào cảnh thiếu đói. Trăn trở hướng thoát nghèo, qua thông tin tuyên truyền của cán bộ xã, tôi đã biết đến chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững mà huyện triển khai. Tôi đã đăng kí tham gia, sau hơn 6 năm được chương trình hỗ trợ về giống, kỹ thuật, chuyển đổi từ ngô, lúa nương sang trồng dứa đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo. Giờ đây cuộc sống của gia đình dù chưa là hộ khá giả nhưng cũng đủ ăn và có thêm tiền tích lũy phòng khi ốm đau, bệnh tật".

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, cách làm hay để giảm nghèo - Ảnh 2.

Trước đây diện tích nương bạc màu, không đem lại hiệu quả kinh tế. Nông dân Mường Chà đã chuyển đổi sang trồng dứa đã cho thu nhập cao. Đến nay đã có trên 200ha dứa được nông dân trồng và chăm sóc. Ảnh Vinh Duy.

Nhiều năm qua, chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã giúp hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, xác định nguyên nhân thiếu tư liệu sản xuất và thiếu vốn sẽ khiến cho nhiều gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo, do vậy, từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Mường Chà đã hỗ trợ chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện đã được mở rộng hơn 200ha, tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông... Đáng chú ý, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, huyện còn hướng người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ, giúp nông dân Mường Chà có thêm thu nhập

Cùng với phát triển cây dứa, mô hình chăn nuôi bò theo nhóm được triển khai trên địa bàn huyện đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện. Điển hình như mô hình nuôi bò theo nhóm tại bản Huổi Đáp, xã Pa Ham.

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, cách làm hay để giảm nghèo - Ảnh 3.

Trong chăn nuôi, nông dân đã kết hợp thành các nhóm hộ, cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc gia súc, gia cầm, vươn lên thoát nghèo. Ảnh Vinh Duy.

Theo bà Lò Thị Bô, thì từ năm 2016, mô hình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các nhóm hộ có cùng sở thích, với mỗi nhóm có 6 hộ tham gia. Để thành lập được mô hình này các gia đình tự nguyện tham gia "Dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh". Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi. Thấy hiệu quả, một số hộ đã tự tích lũy vốn để mua bò giống về cùng chăn nuôi. Đến nay đàn bò đã phát triển lên gần trên 50 con. Các gia đình tham gia dự án đã có cho riêng mình những đồng vốn và cách làm ăn hiệu quả.

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, cách làm hay để giảm nghèo - Ảnh 4.

Bà con đã thay đổi tư duy từ việc chăn nuôi chỉ thả rông, bây giờ đã đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh Vinh Duy.

Tương tự mô hình chăn nuôi bò theo nhóm tại bản Huổi Đáp, năm 2019 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai Dự án mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương năm 2019 - 2020, thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng. Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo với nguồn kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua thời gian thực hiện, số bò khi kết thúc dự án là 24 con, tăng 10 con, số bò có chửa là 7 con. Thấy được hiệu quả của mô hình đến nay, nhiều nông dân các xã vùng cao trên địa bàn huyện cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo bà Lò Thị Bô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế... không chỉ giúp bà con trên địa bàn huyện xóa được đói, giảm được nghèo mà quan trọng hơn nó làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế. Với những tính ưu việt đó, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục triển khai nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, để không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Mường Chà: Cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế, cách làm hay để giảm nghèo - Ảnh 5.

Nhiều mô hình kinh tế được nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh Vinh Duy.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức tự vươn lên của người dân, có thể nói, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà đã và đang có chuyển biến rõ nét. Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có hơn 800 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, số lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề là trên 1.200 người. Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần người dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm dần.

Vinh Duy