dd/mm/yyyy

Mỗi năm sẽ có 5.000 trang trại ra đời

Đó là kỳ vọng của TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn khi trao đổi với Trang Trại Việt về những thành tựu nổi bật của kinh tế trang trại (KTTT) trong năm 2016 và những tiềm năng đột phá cho năm 2017.
Để nâng cao hiệu quả, các chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư theo hướng áp dụng công nghệ cao. (ảnh: Trang trại trồng rau Organica ở Long Thành (Đồng Nai). TL

Vậy là năm 2016 đã kết thúc, nhìn nhận lại tình hình phát triển kinh tế trang trại trong năm qua có những điểm phát triển nổi bật nào, thưa ông?

Trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế, vai trò của KTTT đang ngày càng quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế Việt Nam. Mô hình KTTT trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã hình thành và không ngừng được mở rộng, phát triển trong thời gian qua. Sự phát triển của KTTT đã góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

KTTT năm 2016 đã có những đóng góp quan trọng ở 3 khía cạnh:

Thứ nhất, tạo ra sản xuất hàng hóa lớn, sự phát triển của KTTT đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Ví dụ, như ngành chăn nuôi, trước đây KTTT đóng góp chỉ 30%, 60-70% là đóng góp của nông hộ nhỏ. Tuy nhiên hiện nay KTTT đóng góp 60% sản lượng cho ngành chăn nuôi lợn. KTTT còn góp phần đẩy lùi tỷ lệ dịch bệnh; khả năng quản lý dịch bệnh của ngành chăn nuôi được tốt hơn trong vài năm trở lại đây.

Thứ hai, áp dụng khoa học và công nghệ của trang trại trong sản xuất tăng lên. Những năm qua, đặc biệt là trong năm 2016 các chủ trang trại đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất trong nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản...

Có thể nhận thấy rõ trang trại là chủ công để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mô hình HTX Hòa Mỹ, Ứng Hòa (Hà Nội) là một điển hình, HTX này quy tụ mấy chục trang trại chăn nuôi với vốn hơn 200 tỷ đồng. Vì là HTX của những trang trại nên quy mô của họ rất lớn. Các mô hình trang trại rau hoa áp dụng công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), các mô hình nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đã rất thành công.

Thứ ba, KTTT đã tận dụng được nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động nông thôn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Thông qua phát triển KTTT đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.

“Đối với việc đào tạo nghề cho nông dân, chúng tôi kiến nghị nên tập trung vào các đối tượng là lao động của trang trại, lao động HTX nông nghiệp; đó là những đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó cần mở rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp, đây là điều các chủ trang trại rất mong muốn”. TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT)

Tóm lại trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016, KTTT đã đạt được ba thành tựu nổi bật nêu trên, một số địa phương có KTTT phát triển nổi bật như miền Đông Nam bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; miền Bắc có Tuyên Quang, Hòa Bình…

Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng KTTT còn gặp một số khó khăn. Vậy theo nhìn nhận của ông, những khó khăn cốt lõi kìm hãm sự tăng tốc phát triển của KTTT trong thời điểm hiện nay là gì?
Hiện nay sự phát triển của trang trại đang gặp phải 4 trở ngại quan trọng.

Thứ nhất, tư cách pháp lý của trang trại là một vấn đề đang được đặt ra. Đồng ý trang trại là mô hình kinh tế hộ, nhưng khi tham gia vào các hoạt động sản xuất hàng hóa, loại hình trang trại khác hẳn với nông hộ tiểu nông, nếu trong quan hệ kinh tế để 2 cái này lẫn lộn với nhau thì trang trại sẽ bị kìm hãm phát triển.

Hiện nay một số vấn đề đang được đặt ra như khi kinh doanh, trang trại có được xuất hóa đơn không, tư cách tham gia vào các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản như thế nào, nhà nước bảo hộ tư cách pháp lý của trang trại ra sao… Việc chứng nhận kinh tế trang trại đang dừng lại ở mức độ nhằm hỗ trợ trang trại tiếp cận các chính sách ưu đãi, còn đối với việc kinh doanh, tham gia hợp đồng kinh tế đang gặp nhiều trở ngại thì chưa được làm rõ. Vấn đề này liên quan đến sửa luật, Bộ NN&PTNT có tham mưu Chính phủ ra Nghị định kinh tế trang trại, trong đó nêu rõ địa vị pháp lý kinh tế trang trại, cấp giấy chứng nhận KTTT.

Thứ hai, đó là câu chuyện tiếp cận nguồn lực đất đai và tín dụng. Hai cái này đang gặp vướng mắc. Sản xuất hàng hóa lớn thì phải có đất, nhưng quá trình tích tụ đất đai của mình phức tạp và khó khăn. Hạn điền đã có những quy định mới nhưng vẫn chưa đảm bảo tính an toàn, bảo hộ cho KTTT phát triển tốt. Về tiếp cận tín dụng chúng ta đã có Nghị định 55 của Chính phủ về tín dụng trong nông nghiệp, trong đó kinh tế trang trại được vay 500 triệu không cần thế chấp, thế nhưng thực tế vẫn cần thế chấp.

Thứ ba, chất lượng lao động nông thôn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của KTTT.
Thứ tư, vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là trong khu vực chăn nuôi, thủy sản, càng sản xuất lớn lại càng ô nhiễm, ô nhiễm đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, và cũng là trở ngại của phát triển KTTT, vì vậy cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này.

Là một người đã có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với KTTT, theo ông năm 2017 bức tranh KTTT sẽ có những đột phá gì?

KTTT là một trong những thành phần quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KTTT phát triển, Bộ NN&PTNT đã thống nhất kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định KTTT. Thực ra nghị định này đã trình rồi nhưng vẫn còn có một số ý kiến chưa thống nhất nên Chính phủ đang nghiên cứu. Tôi hy vọng Nghị định này sẽ được ban hành trong năm 2017.

Một vấn đề nữa cần được tháo gỡ đó là tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất, các cụm sản xuất ngành, phát triển liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Về vấn đề này Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành đang tìm các giải pháp giúp KTTT có nhiều cơ hội hơn trong 2017.

Hiện nay tỷ lệ trang trại đang rất thấp, cả nước có khoảng hơn 150.000 trang trại nông nghiệp với 12,8 triệu hộ nông dân. Trong đó số đủ điều kiện so với Thông tư 27 thì chỉ có hơn 29.000 trang trại, số trang trại được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại chỉ trên 6.500 trang trại. Tôi kỳ vọng bắt đầu từ năm 2017, bình quân mỗi năm có thể có được 5.000 trang trại mới ra đời.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng