dd/mm/yyyy

Chăn nuôi nguy cơ "thua" trên sân nhà, mở đường xuất ngoại cho 550 triệu con gia cầm, 17 tỷ quả trứng

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến hết 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 550 triệu con gia cầm và khoảng trên 17 tỷ quả trứng. Con số này bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chăn nuôi gia cầm nguy cơ thua trên sân nhà

Mới đây, tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Cục Thú y, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH De Heus tổ chức chương trình tập huấn "Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu".

Tại hội thảo, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 550 triệu con gia cầm và khoảng trên 17 tỷ quả trứng. Điều này bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm gia cầm còn khá hạn chế, có nguy cơ "thua trên sân nhà".

Chăn nuôi nguy cơ "thua" trên sân nhà, mở đường xuất ngoại cho 550 triệu con gia cầm, 17 tỷ quả trứng- Ảnh 1.

Trại chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Lê Quyên

De Heus hợp tác 7 tỉnh xây dựng chuỗi thịt gà an toàn dịch bệnh

Cục Thú y, Sở NNPTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước, giai đoạn 2023 – 2028.

Mục tiêu của thoả thuận nhằm xây dựng thành công chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà và các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định của WOAH/OIE) Trong đó, mục tiêu chính là tăng cường khả năng phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh liên quan đến chăn nuôi gà, đồng thời cải thiện chất lượng thực phẩm và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm…

Việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, trong đó có các sản phẩm gia cầm của Việt Nam sang các nước còn rất khiêm tốn khi mới chỉ đạt trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều sản phẩm động vật của các nước xuất vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

"Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nước ta chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm động vật là do dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Việt Nam. Nước ta chưa phải là nước an toàn dịch bệnh, chưa có các vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), cũng như chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu" - ông Phan Quang Minh chia sẻ.

Còn theo ông Lê Trọng Đảm-Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, dù Chính phủ, Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã có sự quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt trong việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, nhưng sự quan tâm của doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn còn khiêm tốn. Nếu chúng ta không đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà và các sản phẩm trứng, trong tương lai ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với đòn "hồi mã thương", nguy cơ nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam.

An toàn dịch bệnh - "bản lề" thúc đẩy xuất khẩu

Chăn nuôi nguy cơ "thua" trên sân nhà, mở đường xuất ngoại cho 550 triệu con gia cầm, 17 tỷ quả trứng- Ảnh 2.

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: V.G

Phát biểu tại buổi hội thảo tập huấn, ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm gia cầm.

Lấy minh chứng từ Hà Lan: Dù diện tích nhỏ và dân số cũng ở mức khiêm tốn nhưng nhiều năm nay, Hà Lan giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Do đó, Việt Nam nên tiếp thu các hướng canh tác và quy hoạch, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả khả quan. "Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nên đi từ vấn đề an toàn dịch bệnh. Đây là bản lề và quy định bắt buộc của WOAH đưa ra cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu Việt Nam chấp hành tốt việc này thì cơ hội xuất khẩu tới những thị trường khó tính là điều dễ dàng" - ông Johan van den Ban kỳ vọng.

Hiện, Việt Nam đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang 40 nước, vùng lãnh thổ với giá trị hơn 400 triệu USD. Đặc biệt thịt gà chế biến được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hongkong, Liên bang Nga và 5 nước châu Âu. Trung bình, mỗi năm Việt Nam xuất được khoảng 5.000 tấn sản phẩm động vật, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt trên 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Johan van den Ban, với khả năng chăn nuôi và sự thích nghi rất nhanh của người chăn nuôi Việt Nam thì giá trị ngành chăn nuôi trong thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn: "Với tiềm năng vốn có, chúng tôi tin rằng, thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam sẽ rất rộng lớn, thậm chí còn tốt hơn cả Hà Lan". 

Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư FDI về chăn nuôi gia cầm. So với các quốc gia trong khu vực, quỹ đất dành cho chăn nuôi tại nước ta cũng có phần nhiều hơn và giá thành sản xuất cũng rẻ hơn. Chưa kể, nhiều công ty cũng chủ động đầu tư nguồn vốn "khủng" cho cả dây chuyền sản xuất, cung cấp về giống, thức ăn… tại Việt Nam. Đơn cử, trong năm 2024, De Heus sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy giết mổ chuyên nghiệp và 1 nhà máy ấp nở gà tại Việt Nam.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ trở thành ốc đảo nếu như không có được sự đồng hành cùng người dân. Chúng ta sẽ chẳng làm gì được nếu an toàn dịch bệnh không được thực hiện và đi vào thực tiễn" - ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ. 

Thiên Hương