dd/mm/yyyy

Khuyến nông và cuộc "cách mạng" đổi mới

Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã có nhiều đổi mới về chất và thay đổi hình thức hoạt động theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn, qua đó tiếp tục nâng cao uy tín, thuơng hiệu của đội ngũ khuyến nông, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.

Đó là đánh giá của ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc TTKNQG trong buổi trò chuyện với phóng viên Trang Trại Việt.

Khuyến nông và cuộc "cách mạng" đổi mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh và ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG thăm mô hình trồng bưởi của gia đình ông Lê Văn Phú, thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh (huyện Kim Động, Hưng Yên).

Thưa ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của TTKNQG là triển khai các dự án, mô hình sản xuất để từ đó nông dân học tập, làm theo. Ông có thể điểm qua một số mô hình có kết quả nổi bật trong năm qua?

Năm 2019 có tổng số 77 dự án khuyến nông T.Ư được triển khai trên cả nước, trong đó TTKNQG chủ trì và quản lý 37 dự án. Trong lĩnh vực chăn nuôi, TTKNQG đã triển khai xây dựng 57 mô hình với 119 điểm trình diễn, tổng kinh phí 34,1 tỷ đồng, trong đó có mô hình về chăn nuôi gia cầm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh, cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, vỗ béo bò thịt, cải tạo đàn dê, cừu...

Tôi rất ấn tượng với các mô hình độc đáo như "sông trong ao" ở Hưng Yên, nuôi tôm công nghệ cao, hướng tới phát triển nuôi biển ở các tỉnh miền Trung; mô hình chăn nuôi bò thịt khép kín quy mô hàng nghìn con của Công ty T&T 159 (Hoà Bình)… Những mô hình này đều có thể nhân rộng vì rất hiệu quả.

Ngoài ra, TTKNQG còn chủ trì 2 dự án và quản lý 16 dự án lĩnh vực trồng trọt, với 189 mô hình. Ví dụ như dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 đã góp phần chủ động hạt giống trong nước, hạ giá thành 15%, hiệu quả sản xuất tăng 30-40%.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đã phải trải qua vô vàn khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu thất thường, dịch bệnh phức tạp, vậy hoạt động của lĩnh vực khuyến nông có bị ảnh hưởng hay không?

Ngoài những khó khăn chung của ngành nông nghiệp như thời tiết diễn biến khó lường, dịch bệnh phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân đang chăn nuôi, lĩnh vực khuyến nông còn có những khó khăn riêng.

Hiện nay một số địa phương đã tiến hành rà soát, sắp xếp hệ thống khuyến nông các cấp. Tuy nhiên do chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương nên việc thực hiện không đồng bộ, gây khó khăn trong triển khai, ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ khuyến nông. Hiện đã có 2 tỉnh đã giải thể là TTKN Lai Châu và Bình Dương.

Bên cạnh đó, kinh phí Trung ương đầu tư cho khuyến nông nhiều năm nay không tăng; quy định chỉ được ứng 50% kinh phí theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng gây khó khăn khi triển khai các dự án, nhiệm vụ khuyến nông vì các TTKN đều là đơn vị hành chính sự nghiệp, hoạt động phi lợi nhuận. Đặc biệt là trong năm nay, dịch bệnh xảy ra liên tục, phức tạp nhất là dịch tả lợn châu Phi, khiến 2/3 dự án phát triển mô hình chăn nuôi lợn phải dừng.

Khuyến nông và cuộc "cách mạng" đổi mới - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG (thứ 4 từ trái sang) và đoàn công tác thăm mô hình trồng lúa ở tỉnh Nam Định.

Hệ thống khuyến nông đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu, đổi mới để phù hợp với xu thế hội nhập. Việc tổ chức lại bộ máy sẽ được thực hiện như thế nào để vừa hoá giải những khó khăn từ khách quan cũng như những bất cập, hạn chế trong nội tại?

Hiện, cả nước có trên 30.000 người làm khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông. Hệ thống khuyến nông đã được hoàn thiện từ Trung ương, tỉnh đến thôn bản, khẳng định vị trí, vai trò trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và công nghệ đổi mới từng ngày, lực lượng khuyến nông phải đổi mới từ trong tư duy, nâng cao trình độ, thay đổi phương thức hoạt động và cách tiếp cận với nông dân.

Tôi cho rằng, người cán bộ khuyến nông không chỉ là cán bộ kỹ thuật mà phải là "bác sĩ đa khoa" trên từng mảnh vườn thửa ruộng, là người kết nối nông dân với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giúp bà con sản xuất theo nhu cầu thị trường, liên kết với doanh nghiệp… Vấn đề đặt ra với khuyến nông bây giờ, chính là phải thực hiện cuộc "cách mạng" đổi mới trong nội tại của mình.

Về mặt Nhà nước, TTKNQG, Bộ NNPTNT đã đề xuất xây dựng một cơ chế chính sách, đặc biệt là việc phân loại xếp hạng ngạch, bậc để có đánh giá công bằng trong hệ thống.

Thứ hai, Trung tâm đang đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tiếp tục đề xuất những cơ chế nhằm đảm bảo đời sống, thu nhập cho đội ngũ cán bộ cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù... Đối với sản xuất, khuyến nông sẽ tập trung khai thác nguồn lực xã hội hoá, đẩy mạnh hợp tác công – tư (PPP).

Có những sự kiện, chương trình đã thành thương hiệu của khuyến nông như diễn đàn @ nông nghiệp, thông tin tuyên truyền... Thời gian tới công tác này được thực hiện ra sao để vừa bám sát chỉ đạo của ngành nông nghiệp, vừa tăng uy tín cho khuyến nông, thưa ông?

Đúng như vậy, các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, thông tin tuyên truyền thời gian qua chính là nơi kết nối giữa người cần và người có, trở thành thương hiệu mà nhắc tới bà con nông dân đều biết.

Năm 2019, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông đã bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ NNPTNT, tập trung phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; cung cấp các thông tin, kiến thức hữu ích phục vụ sản xuất của bà con.

Theo đó, TTKNQG đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh thực hiện hàng chục nghìn tin bài, phóng sự, chuyên đề; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện hàng trăm chương trình phát sóng bằng 11 ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần đưa thông tin khoa học kỹ thuật đến với bà con người dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

"Trong năm 2019, TTKNQG đã tổ chức 26 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với các chủ đề tập trung giải quyết các vấn đề "nóng" của sản xuất; tổ chức 2 hội chợ, giúp bà con nông dân tiếp cận thị trường, trao đổi hàng hóa... Tới đây, các diễn đàn sẽ tăng cường sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp, thậm chí ngay trong diễn đàn sẽ có hợp đồng kinh tế được ký kết". Ông Lê Quốc Thanh
Bài, ảnh: Minh Huệ (thực hiện)