dd/mm/yyyy

Khuyến nông nhiều đổi mới, chuyển mình về chất

“Năm 2018 được xem là năm đánh dấu sự thay đổi, chuyển mình của hoạt động khuyến nông, với nhiều thay đổi về nội dung, cơ chế chính sách hoạt động, đặc biệt công tác khuyến nông đã được đẩy mạnh nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” – ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn PV Trang Trại Việt.

Được biết, trong năm vừa qua TTKNQG đã triển khai một loạt mô hình trình diễn mang lại hiệu quả nổi bật. Ông có thể đánh giá những mô hình đó có ý nghĩa như thế nào?

Trong năm vừa qua, chúng tôi được giao chủ trì, quản lý 28 dự án khuyến nông để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất. Các dự án này đều đảm bảo tiến độ và mùa vụ sản xuất, đạt hiệu quả cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu 15%.

Lãnh đạo Hội Nông dân phường Thường Thạnh và hội viên nông dân tham quan mô hình trồng ổi lê của ông Trần Văn Tiến, khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Thanh Thư
Ông Trần Văn Khởi (thứ hai bên trái) thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Q.N

Trong đó, lĩnh vực khuyến nông trồng trọt, lâm nghiệp đã triển khai 13 dự án, xây dựng 89 mô hình trình diễn trọng điểm như sản xuất hạt giống lúa lai F1; giảm lượng hạt giống gieo sạ; xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất cam, bưởi an toàn theo chuỗi giá trị; tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu; sản xuất chè an toàn; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh; liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ cây dược liệu;…

Năm 2019, TTKNQG tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cán bộ khuyến nông cơ sở, thông qua việc tổ chức hơn 300 lớp đào tạo, bồi dưỡng khuyến nông cho khoảng 10.000 lượt học viên là cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông, cán bộ hợp tác xã, xã nông thôn mới; tổ chức 5 đoàn trong nước và 1 đoàn khảo sát, học tập nước ngoài; tham gia các hoạt động thường niên về nông nghiệp và khuyến nông với các nước ASEAN…

Trong lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi và thú y đã triển khai 9 dự án, xây dựng 46 mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt; chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo; chăn nuôi có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu; chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học; nuôi ong mật chất lượng cao… Ngoài ra, trong công tác khuyến ngư cũng có nhiều mô hình hiệu quả như xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ; liên kết nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; nuôi tôm sú bán thâm canh; phát triển thủy đặc sản như cá tầm, cá lăng, tôm càng xanh…

Để góp phần tăng giá trị sản xuất tối thiểu lên 15% so với đại trà, các mô hình đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Năm 2018, công tác tổ chức, triển khai các dự án khuyến nông có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng, đó là tập trung vào các đối tượng, sản phẩm chủ lực của ngành; phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố để tiếp tục duy trì, mở rộng kết quả sau khi dự án kết thúc; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để đánh giá, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ra sản xuất đại trà; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ,… Đặc biệt là đã có nhiều mô hình kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình VietGAP đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Các mô hình trình diễn đã chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt, thuyết phục được bà con tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. Từ kết quả của các dự án, mô hình khuyến nông, một số địa phương đã chỉ đạo bà con nhân rộng mô hình và liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Thục Quyên
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Thục Quyên

Có một điều đã thành thế mạnh, “thương hiệu” của lĩnh vực TTKNQG, đó là thông tin tuyên truyền. Công tác này được thực hiện ra sao để bám sát chỉ đạo của ngành nông nghiệp, thưa ông?

Trong năm 2018, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông đã được đổi mới, truyền tải đầy đủ và sâu sắc định hướng, chỉ đạo của Bộ NNPTNT về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động tuyên truyền bám sát mùa vụ sản xuất, tập trung vào cây, con chủ lực, phục vụ có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, TTKNQG đã phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện 254 chương trình truyền hình; 443 chương trình phát thanh; 8.800 tin, bài, ảnh trên báo viết và 1.100 tin, bài, ảnh trên báo điện tử. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền trên đài phát thanh bằng 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần giúp đồng bào dân tộc tiếp cận với các thông tin tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Lãnh đạo Hội Nông dân phường Thường Thạnh và hội viên nông dân tham quan mô hình trồng ổi lê của ông Trần Văn Tiến, khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Thanh Thư
Lãnh đạo Hội Nông dân phường Thường Thạnh và hội viên nông dân tham quan mô hình trồng ổi lê của ông Trần Văn Tiến, khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Thanh Thư

Với lực lượng khuyến nông cơ sở phân bố đều các tỉnh, thành phố, trong năm qua TTKNQG đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu và các địa phương tổ chức 26 sự kiện khuyến nông và diễn đàn khuyến nông @ công nghệ, thu hút sự tham gia của 145 lượt tỉnh/thành với 5.195 đại biểu, trong đó 3.309 nông dân sản xuất, đã có 834 câu hỏi được trao đổi.

Đặc biệt, các diễn đàn đã tập trung vào các chủ đề mang tính thời sự, cấp thiết của sản xuất nông nghiệp gắn với chỉ đạo của Bộ như ứng phó với biến đổi khí hậu; khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch hại; liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu nông sản… nên luôn thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 4 Hội chợ Nông nghiệp và thương mại, giúp nông dân tiếp cận thị trường, trao đổi hàng hóa và tìm kiếm bạn hàng.

Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ, mục tiêu chính trong năm tới?

Trong năm 2019, TTKNQG sẽ tiếp tục đề xuất, tham mưu xây dựng các chương trình, dự án theo hướng tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, có lợi thế, đồng thời tiếp tục quan tâm đến các mô hình xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh để giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Tăng cường cung cấp thông tin hữu ích phục vụ sản xuất; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời tiếp tục bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới...

Minh Huệ