dd/mm/yyyy

Điện Biên thay đổi tư duy việc làm cho thanh niên nông thôn

Với hơn 90% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, nhiều thanh niên ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, bởi chưa biết phát huy thế mạnh này. Hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT đều có suy nghĩ “phải đi học đại học, phải vào cơ quan nhà nước”.

Trong khi đó, theo đề án tinh giản biên chế được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2021, địa phương này phải giảm 10% tổng biên chế công chức, viên chức cấp huyện và viên chức sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, thay đổi tư duy về việc làm hiện đang là hướng đi mà Tủa Chùa xác định tập trung triển khai thực hiện.

Nhiều thanh niên ở Tủa Chùa đã áp dụng các kiến thức được trang bị vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
Nhiều thanh niên ở Tủa Chùa đã áp dụng các kiến thức được trang bị vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện nay, tổng số biên chế người làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc quản lý của UBND huyện Tủa Chùa được giao là 1.861 người, trong đó thực hiện 1.824 người. Thống kê từ năm 2012 đến nay, UBND huyện mới chỉ tuyển dụng, bố trí việc làm được cho 206, trong tổng số hơn 750 sinh viên tốt đã nghiệp các trường chuyên nghiệp trên địa bàn (chiếm gần 30%). Như vậy, nghĩa là khoảng hơn 70% còn lại buộc phải tự tìm việc làm khác ngoài nhà nước, hoặc chấp nhận ở nhà phụ giúp gia đình sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề việc làm cho thanh niên càng trở nên khó khăn khi “bắt tay” triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đến năm 2021, với nhiều quy định ràng buộc, như: bộ máy phải tinh giản tối thiểu 10% tổng số biên chế, chỉ tuyển dụng lại 50% trong số cán bộ công chức nghỉ hưu… khiến cơ hội việc làm trong bộ máy các cơ quan nhà nước là rất thấp. Trong khi đó, Tủa Chùa với nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp và du lịch, thì lại chưa được phát huy hiệu quả, do người lao động chưa thực sự mặn mà.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ những thực tế trên, chúng tôi thấy điều cần thiết hiện nay là phải thay đổi tư duy cho lao động, nhất là thanh niên. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, cách lựa chọn ngành nghề phù hợp thị trường lao động, cũng như khả năng bản thân; đối tượng hướng tới chủ yếu là thanh niên ở các vùng nông thôn, các em học sinh sắp tốt nghiệp THPT, hoặc chưa có việc làm. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống giáo dục, và một số ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, định hướng việc làm cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường THCS, THPT; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với những ngành nghề phù hợp… Đối với những người dám mạnh dạn sản xuất, kinh doanh, địa phương sẵn sàng hỗ trợ, thông qua rất nhiều nguồn vốn vay ưu đãi.

Hưởng ứng khá tốt chủ chương này, nhiều thanh niên ở Tủa Chùa đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chàng thanh niên 21 tuổi Lờ A Vàng (thôn Sín Củ 2, xã Xá Nhè) là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp THPT, thấy lực học hạn chế, Vàng đã quyết định không thi vào đại học mà ở lại quê hương để phát triển kinh tế gia đình. Rất may mắn, Vàng được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, nên đã mạnh dạn đầu tư trồng dứa – một giống cây trồng mới ở Tủa Chùa.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó, mô hình dứa của Vàng nhanh chóng mang lại nguồn thu đáng kể chỉ sau 2 năm. Tiếp tục tích lũy vốn, cùng với việc chủ động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trồng chọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năm 2017 Vàng tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình sản xuất thêm một số cây trồng mới, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, Vàng đã là ông chủ của một trang trại có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động là người địa phương.

Với hướng đi này, hiện nay khắp các vùng của Tủa Chùa đã xuất hiện nhiều hơn những mô hình sản xuất có nguồn thu đáng kể như Lờ A Vàng. Thông qua đó không chỉ giúp các hộ xóa đói giảm nghèo, mà góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay toàn huyện có gần 30.000 người trong độ tuổi lao động, hơn 80% trong số đó là ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, để triển khai tốt hướng này, thì ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cũng như đơn vị liên quan, thì quan trọng hơn vẫn là ở người lao động, nhất là thanh niên. Họ cần chủ động tham gia các khóa đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp; vận dụng kiến thức đã được học, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, phát huy tốt các thế mạnh của địa phương về nông nghiệp, du lịch… để đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh” – ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thanh Phong