dd/mm/yyyy

Xuất khẩu gạo 8 tháng đã thu về hơn 3 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tiếp tục 'neo' đỉnh

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 29/8: Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 29/8 

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Đây là mức tăng rất mạnh trong nhóm nông lâm thủy sản. Gạo và rau quả cũng là 2 trong số các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng cao thời gian qua.

Đáng chú ý, hàng loạt thông tin trên thị trường xuất khẩu gạo đang tiếp tục tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu. Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Thông báo được Bộ Tài chính Ấn Độ đưa ra vào ngày 25/8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay.

Đồng thời, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Trước đó, nước này đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati kể từ tháng 7. Ấn Độ và Pakistan là 2 thị trường xuất khẩu gạo basmati lớn nhất thế giới. Hằng năm, Ấn Độ cung cấp khoảng 4 triệu tấn tới các nước như Iran, Iraq, Mỹ, Ả Rập Saudi. Những động thái mới của Ấn Độ có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới lên cao hơn nữa.

Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn mỗi năm.

Những động thái này đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, ngày 29/8, giá gạo xuất khẩu của ta tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn đạt mức 628 – 643 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta tiếp tục "neo" đỉnh 15 năm và ở mức cao nhất thế giới.

Xuất khẩu gạo 8 tháng đã thu về hơn 3 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tiếp tục 'neo' đỉnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo 8 tháng đã thu về hơn 3 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tiếp tục 'neo' đỉnh

Trong nước, sau khi tăng mạnh ngày hôm qua, giá lúa gạo hôm nay ngày 29/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm nhẹ với mặt hàng gạo, trong khi giữ ổn định với mặt hàng lúa.

Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 29/8, lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, hôm nay đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ 50 – 100 đồng/kg sau khi tăng mạnh những ngày qua. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 giảm 50 đồng/kg xuống còn 12.300 – 12.350 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giảm 50 đồng/kg xuống còn 14.300 - 14.400 đồng/kg.

Riêng giá phụ phẩm điều chỉnh giảm 100 đồng/kg với cám khô. Theo đó, giá tấm IR 504 dao động 11.900 - 12.000 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô giảm 100 đồng/kg xuống còn 7.400- 7.450 đồng/kg.

Theo các thương lái, tại Kiên Giang, lượng gạo vừa đủ cung ứng cho các kho, giá gạo OM 18, OM 380 bình ổn. Tại An Giang, giá gạo nếp bình ổn, giá nếp Long An cũng không có biến động.

Thực tế, tại thị trường nội địa, theo các thống kê của VFA, giá lúa gạo đã được điều chỉnh tăng từ 136-313 đồng/kg trong tuần trước. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng hiện được mua cao nhất ở mức 8.050 đồng/kg, lúa thường tại kho có giá 9.750 đồng/kg. Gạo 5% tấm xuất khẩu cũng tăng lên mức 14.800 đồng/kg và gạo 25% tấm ở mức 14.400 đồng/kg.

Với giá gạo nội địa như hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu phải chào bán được chí ít với giá 670 USD/tấn mới không lỗ...

Theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thật từ thị trường thế giới lớn. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa cũng tăng theo tình hình chung của thị trường thế giới khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá xuất khẩu cao thì mới chốt hợp đồng, nhằm giảm rủi ro thua lỗ.

Các chuyên gia phân tích và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục neo cao, thậm chí còn tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong nước đã gần kết thúc vụ Hè Thu nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúc gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn. Thế giới đang thiếu nguồn cung nhưng hàng trong nước luôn đảm bảo đầy đủ để giá gạo nội địa không tăng phi mã như cơn sốt giá gạo lịch sư hồi năm 2008.

Nguyễn Phương