dd/mm/yyyy

Trồng rau hữu cơ 7 không, hướng sản xuất mới của nông dân Bắc Giang

Tại huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang hình thành mô hình trồng rau sạch theo quy trình 7 không: Thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống biến đổi gen, chất bảo quản khi sơ chế, tưới nước ô nhiễm… giúp cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.

Rau hữu cơ được đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới hiện đại.

Từ vụ xuân năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh đã đưa vào sản xuất mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới phun tự động với quy mô 1,4 ha tại khu đồng Dộc Trên thôn Quang Hiển xã Quang Thịnh huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang.

 Toàn bộ hệ thống và cách thức sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh đều được giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Bắc Giang vì vậy khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào từng sản phẩm vì việc truy xuất nguồn gốc của từng cây rau đều được nhật ký ghi lại.

Diện tích này đã được dồn điền đổi thửa, hiện có 17 hộ tham gia thành lập 1 tổ hợp tác. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang được triển khai.

Rau được sản xuất hoàn toàn trong nhà lưới với quy trình 7 không: Thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống biến đổi gen, chất bảo quản khi sơ chế, tưới nước ô nhiễm.

Ông Hoàng Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh cho biết: Mô hình trồng rau 7 không được đầu tư hệ thống nhà lưới hiện đại: Tưới nhỏ giọt, phun sương được điều khiển tự động cùng với mái che làm giảm lượng ánh sáng, nhiệt độ nên thời tiết nên ít tác động trực tiếp đến cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cho năng suất cao. Do đó, trong nhà màng đã một số giống cây trái vụ vốn chỉ phù hợp với khí hậu ôn đới.

Là một người có kinh nghiệm trồng rau trên 20 năm Bà Hoàng Thị Nhâm thành viên của Tổ sản xuất rau hữu cơ Quang Thịnh cho biết: Bản thân tôi đã gắn bó với việc đồng áng trồng rau từ nhỏ, vất vả thì rất nhiều nhưng từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ này rất vất vả bởi nông dân chúng tôi vốn quen sản xuất theo kinh nghiệm nhưng nay từ khâu làm đất đến thu hoạch đều phải ghi nhật ký rõ ràng từng ngày, từng giai đoạn… Vất vả là vậy nhưng những sản phẩm: rau cải, rau lang, mùng tơi, mướp, rau muống… khi làm ra chúng tôi rất hài lòng yên tâm tuyệt đối khi bán ra thị trường.

Bà Hoàng Thị Nhâm thành viên tổ hợp tác rau hữu cơ Quang Thịnh đang thu hái rau hữu cơ.

Với chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Vì vậy dù mới ra thị trường nhưng sản phẩm rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh đã được người tiêu dùng ở Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn tin dùng. Trung bình, mỗi 1kg rau xanh các loại có giá khoảng 15.000 đồng, cao hơn gần gấp đôi so với sản phẩm rau xanh trồng theo phương pháp truyền thống và được công ty chuyên cung cấp rau sạch ở Hà nội thu mua.

Bà Đỗ Thị Cúc, Khu Tân Lập thị trấn Hữu Lũng huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Mặc dù mới có mặt trên địa bàn nhưng tôi thấy sản phẩm rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Thịnh có chất lượng rất tốt, đặc biệt là sản phẩm ngọn rau lang, khi luộc lá rau không nát, ngọn ăn thì rất giòn đặc biệt là nước luộc để từ trưa đến chiều vẫn giữ nguyên được màu xanh nhạt đặc trưng, không như một số rau sử dụng đạm để tưới, nước luộc mà để sẽ bị biến chuyển màu ngay.

Điểm bán rau hữu cơ Quang Thịnh đầu tiên ở Thị trấn Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn).

Với quy trình sản xuất hữu cơ, rau 7 không Quang Thịnh là xu hướng cần thiết hiện nay, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Nam Thái