dd/mm/yyyy

TP. Thủ Đức nỗ lực xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Từ nay đến năm 2025, TP.Thủ Đức (TP.HCM) sẽ có thêm 150 nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp chuyên nghiệp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Theo đó, UBND TP.Thủ Đức đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2025.

Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Kế hoạch này cho thấy, TP.Thủ Đức sẽ tăng cường hỗ trợ đào tạo, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đến năm 2025, TP.Thủ Đức sẽ đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn làm nông nghiệp. Đối tượng là lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có công, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động từ việc làm có thu nhập thấp, không ổn định sang việc làm có năng suất, chất lượng và thu nhập cao hơn, ổn định hơn.

Nỗ lực xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp  - Ảnh 1.

Nông dân TP.Thủ Đức (TP.HCM) trồng mai vàng. Ảnh: T.Đ

Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thông tin về chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để người lao động biết và tham gia các lớp học…

Về định hướng, các mô hình có hiệu quả kinh tế tốt, như trồng rau mầm, trồng nấm, chăm sóc hoa mai, hoa lan, thiết kế sân vườn, nuôi cá cảnh, kỹ thuật cắt tỉa cành và tạo dựng bonsai, kỹ thuật trồng rau theo chuẩn VietGAP... sẽ được chú trọng đào tạo giúp lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quy trình kỹ thuật mới, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến.

Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức cũng bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới, như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tạo mọi điều kiện cho người dân học nghề

Để đạt được mục tiêu trên, TP.Thủ Đức đã yêu cầu UBND các phường có lao động nông thôn hàng năm chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức điều tra khảo sát thực trạng lao động - việc làm, nhu cầu học nghề nông nghiệp. Đồng thời, cập nhật danh sách lao động học nghề nông nghiệp trên địa bàn quản lý. 

Vận động lao động chưa qua đào tạo tham gia học nghề nông nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, hướng dẫn người lao động nông thôn làm đơn đăng ký học nghề, tạo điều kiện về mọi mặt cho người lao động tham gia học nghề, tạo việc làm, chủ động rà soát các lao động đã được hưởng chính sách đào tạo nghề, tránh trùng lặp.

TP.Thủ Đức cũng đề nghị Hội Nông dân thành phố tuyên truyền vận động lao động là hội viên của hội tham gia các lớp học nghề nông nghiệp trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện công tác tư vấn về dạy nghề, việc làm cho cán bộ, hội viên; làm nòng cốt vận động nam, nữ nông dân tích cực tham gia học nghề; đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tham gia phối hợp các ngành tổ chức tập huấn, dạy nghề cho nông dân. Đồng thời, giới thiệu nhà vườn để học viên thực hành, thực tập và tham quan học tập… 

Trần Đáng