dd/mm/yyyy

Thị trường hạt tiêu ngày 5/1: Giá tiêu trong nước vượt mốc 82.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 5/1/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 81.000 – 82.500 đồng/kg.
Thị trường hạt tiêu ngày 5/1: Giá tiêu trong nước vượt mốc 82.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Giá hạt tiêu trong nước hôm nay tăng mạnh tại các vùng trọng điểm, chốt ở 81.000 – 82.500 đồng/kg. Giá thấp nhất tại Gia Lai, cao nhất tại Bình Phước. Do nguồn cung và lượng tồn kho thấp khiến giá tiêu có những điều chỉnh tích cực.

Thị trường hạt tiêu ngày 5/1: Giá tiêu trong nước vượt mốc 82.000 đồng/kg- Ảnh 2.

Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam sản lượng hạt tiêu toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ giảm do sản lượng từ các nước sản xuất hạt tiêu ước tính giảm. Theo đó, ước tính sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn, do người dân chặt bỏ cây tiêu và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20 - 30% và Brazil giảm 15%.

Theo nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu thế giới hôm nay có diễn biến như sau: Giá tiêu đen Lampung Indonesia chốt ở 3.946 USD/tấn, giảm 0,15%; Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 chốt ở 3.270 USD/tấn, không đổi; Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA chốt ở 4.900 USD/tấn, không đổi; Giá tiêu trắng Muntok chốt ở 6.078 USD/tấn, giảm 0,15%; Giá tiêu trắng Malaysia ASTA chốt ở 7.300 USD/tấn, không đổi.

Thị trường hạt tiêu ngày 5/1: Giá tiêu trong nước vượt mốc 82.000 đồng/kg- Ảnh 3.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu do xung đột địa chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao tại các nền kinh tế lớn, xuất khẩu hạt tiêu ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết quốc gia sản xuất hàng đầu. Xét về nhu cầu, nhập khẩu của Mỹ và EU giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây, và được bù đắp phần nào bởi nhu cầu từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại từ đại dịch Covid-19.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2023, ngành hạt tiêu Việt Nam đối mặt với khó khăn do nhu cầu tiêu thụ thấp. Tình hình kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có sự biến động mạnh đã có những tác động đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung và hạt tiêu nói riêng.

Kết thúc năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá (do giá xuất khẩu giảm) so với năm 2022. Theo ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm trước.

Thị trường hạt tiêu ngày 5/1: Giá tiêu trong nước vượt mốc 82.000 đồng/kg- Ảnh 4.

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi về giá do sản lượng giảm. Lượng tồn kho hạt tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, vụ tiêu năm 2024 sẽ giảm khoảng 10-15%, với sản lượng thu hoạch dự kiến ước đạt 160.000-165.000 tấn. 

Về thị trường, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2023 với 48.783 tấn, đạt 196,3 triệu USD, chiếm 19% về lượng và 23% về trị giá trong tổng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này giảm lần lượt 5,3% và 23%.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết thị trường truyền thống và tiềm năng giảm so với cùng kỳ năm 2022, gồm Mỹ, Ấn Độ, UAE, Đức... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 188,2%, đạt 117 triệu USD.

Sản lượng hạt tiêu năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 190.000 tấn, nhập khẩu chừng 26.000 tấn. Tính ra năm qua xuất khẩu đã phải lấy 50.000 tấn hàng dự trữ trong kho để xuất bán ra thị trường. Đưa hàng gối vụ năm nay thấp nhất trong các năm.

Dự báo năm 2024, giá hạt tiêu thế giới nhìn chung sẽ cao hơn so với năm 2023. Mặc dù nền kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, nhưng sản lượng hạt tiêu của Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ giảm.










Nguyễn Phương